Mỹ ra tối hậu thư cho Israel, thừa nhận vai trò trong xung đột
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận thông tin xuất hiện trên truyền thông trước đó, tuyên bố Washington quyết định ngừng một số lô vũ khí viện trợ cho Israel - mà ông thừa nhận đã được sử dụng khiến dân thường Gaza thiệt mạng – nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra lệnh tấn công vào thành phố Rafah.
“Dân thường thiệt mạng ở Gaza là hậu quả của những quả bom đó và những cách khác khi họ nhắm vào các tập trung dân cư”, ông Biden nói với Erin Burnett của CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, đề cập đến các quả bom nặng 2,000 pound (hơn 900kg) mà Biden đã tạm dừng chuyển giao hồi tuần trước.
“Tôi đã làm rõ rằng, nếu họ tiến vào Rafah – họ chưa tiến vào Rafah – nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí vốn được sử dụng để đối phó với Rafah, đối phó với các thành phố – để giải quyết vấn đề đó”, Biden nói.
Theo CNN, tuyên bố của Tổng thống Mỹ - việc ông sẵn lòng lấy vũ khí Mỹ ra làm điều kiện đối với hành động của Israel đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng giữa Israel và Hamas. Ngoài ra, ông Biden thừa nhận rằng bom Mỹ đã khiến dân thường Gaza thiệt mạng cho thấy quan điểm nhìn nhận rõ ràng về vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng trấn an đồng minh bằng cách tái khẳng định cam kết của Mỹ. "Chúng tôi không rời bỏ an ninh của Israel. Chúng tôi chỉ không ủng hộ khả năng Israel phát động chiến tranh ở những khu vực đó", ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ tuyên bố, mặc dù Washington vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí phòng vệ cho Israel, bao gồm cả hệ thống Iron Dome, nhưng các lô hàng khác sẽ chấm dứt nếu Israel thực hiện một cuộc đổ bộ lớn vào Rafah.
Ông Biden hy vọng quyết định của Mỹ sẽ khiến Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ bỏ kế hoạch tấn công vào Rafah.
3.500 quả bom đã bị Mỹ ngừng chuyển giao
Chính quyền Mỹ đã quyết định tạm dừng chuyển giao một lô hàng gồm khoảng 3.500 quả bom cho Israel vào tuần trước, một quan chức cấp cao tiết lộ với truyền thông Mỹ.
Thông tin này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công khai xác nhận trong phiên điều trần Thượng viện hôm 8/5. Ông Austin cho biết thêm rằng, chiến dịch tấn công lớn của Israel ở Rafah có thể thay đổi quan điểm của Mỹ về viện trợ an ninh cho Israel.
"Chúng tôi hiện đang rà soát một số lô viện trợ an ninh trong tương lai gần giữa bối cảnh các sự kiện đang diễn ra tại Rafah", ông Austin cũng nhấn mạnh rằng không có vấn đề gì với khoản ngân sách bổ sung mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua mới đây.
Lô hàng được cho là bao gồm 1.800 quả bom nặng 2.000 pound (khoảng 900 kg) và 1.700 quả bom 500 pound (khoảng 225 kg), AP dẫn nguồn tin cho biết.
Theo AP, mối quan tâm chính của Mỹ là cách Israel sử dụng các loại bom hạng nặng ở một khu đô thị đông đúc như Rafah, nơi hơn 1 triệu thường dân đang trú ẩn sau khi sơ tán khỏi các khu vực khác của Gaza do xung đột Israel - Hamas.
Mỹ đã sử dụng bom nặng 2.000 pound "một cách tiết kiệm" trong cuộc chiến kéo dài chống lại nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trong khi đó, Israel lại thường xuyên sử dụng loại bom này trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng ở Gaza. Ngay tháng đầu tiên, Israel đã thả hàng trăm quả bom hạng nặng, rất nhiều trong số này có khả năng gây sát thương ở khoảng cách hơn 300m, phân tích của CNN chỉ rõ.
AP dẫn nguồn chuyên gia nhận định, việc sử dụng loại vũ khí này phần nào đã khiến số lượng người Palestine thương vong tăng cao.
Thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ, phép thử quan hệ đồng minh
Quyết định tạm dừng 1 lô hàng và cân nhắc tới khả năng "giảm tốc" các lô hàng khác là một thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Biden. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ ngừng viện trợ cho đồng minh thân cận của mình kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra hồi tháng 10/2023.
CNN cho rằng, việc ông Biden công khai thừa nhận mối liên hệ giữa các lô vũ khí Mỹ với hành động của Israel tại Gaza có thể làm gia tăng rạn nứt giữa bản thân ông và nhà lãnh đạo Israel. Trong khi đó, NYT đánh giá, đây sẽ là phép thử cho mối quan hệ đồng minh 76 năm giữa Mỹ và Israel, một trong những quan hệ đối tác an ninh thân cận nhất, chặt chẽ nhất thế giới.
Mỹ đã cung cấp một lượng viện trợ quân sự khổng lồ cho Israel trong lịch sử. Sau vụ tấn công của Hamas hôm 7/10 nhằm vào Israel, lượng viện trợ của Washington cho đồng minh tiếp tục tăng lên.
Chính quyền Biden đã nhiều lần do dự trước quyết định ngừng chuyển giao vũ khí cho Israel mặc dù hai nước có những bất đồng về chính sách, bởi những hợp đồng như vậy thường được thực hiện trong nhiều năm, và việc Mỹ ngừng viện trợ nhiều khả năng không ảnh hưởng đến các quyết sách của Israel trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nhiều quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng, việc trì hoãn giao các lô vũ khí có thể đặt quốc phòng Israel - vốn là một ưu tiên chiến lược của Mỹ - vào nguy cơ.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với những chỉ trích đến từ một số thành viên Đảng Dân chủ và cử tri. Họ cho rằng ông chưa nỗ lực đủ để ngăn chặn tình trạng thương vong tăng cao ở dân thường trên Dải Gaza.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, chiến dịch tấn công của Tel Aviv tại Rafah là không thể tránh khỏi và cần thiết để loại bỏ Hamas.
Trả lời phỏng vấn kênh Channel 12 của Israel, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã nói rằng, quyết định tạm dừng viện trợ của Mỹ là "một quyết định đáng thất vọng, thậm chí gây bức xúc".
Hôm 7/5, quân đội Israel đã kiểm soát cửa khẩu biên giới quan trọng Rafah của Gaza trong một chiến dịch mà Nhà Trắng mô tả là "hạn chế".
Israel đã ra lệnh sơ tán 100.000 người Palestine từ thành phố này. Lực lượng Israel cũng đã tiến hành những gì họ mô tả là "các cuộc không kích có mục tiêu" vào phía đông Rafah, đồng thời chiếm giữ cửa khẩu Rafah, con đường huyết mạch quan trọng cho viện trợ nhân đạo dọc theo biên giới Gaza-Ai Cập.