Nghề làm đẹp cho người chết

27/04/2024 00:11

Trung QuốcMột ngày bình thường của Lưu Tam Tam là thức dậy lúc 5h sáng và đến nơi làm việc tại nhà tang lễ Tiêu Sơn ở Hàng Châu lúc 6h.

Công việc chính của chàng trai sinh năm 1995 là giúp người chết có một ngoại hình chỉnh chu, tươm tất và đẹp đẽ nhất. Công việc này đòi hỏi sự chỉn chu, cẩn thận chưa kể không phải thi thể nào cũng nguyên vẹn nên mất nhiều thời gian và công sức.

"Gần đây, tôi mất hơn 10 tiếng để xử lý một trường hợp bị tai nạn giao thông", Lưu nói. Mỗi năm anh phải khâm liệm trung bình 400 thi thể.

Lưu Tam Tam và Trần Thiếu Thu cùng khâm liệm người mất tại nhà tang lễ Tiêu Sơn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: cyol

Lưu Tam Tam và Trần Thiếu Thu cùng khâm liệm người mất tại nhà tang lễ Tiêu Sơn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: cyol

Do tính chất đặc biệt của công việc nên Lưu ít có thời gian giao lưu bạn bè. Anh cũng rất ít khi gặp đồng nghiệp bởi mỗi người một bộ phận. Thông thường họ chỉ gặp nhau khi bàn giao thi thể cho quản lý hay người nhà để làm lễ mai táng.

Lưu gần như không dám đến dự đám cưới bạn bè, tránh bắt tay mọi người và tuyệt đối không nói lời tạm biệt mỗi khi chia tay ai đó. Cũng vì công việc đặc thù nên việc tìm người yêu với anh trở nên khó khăn bởi chỉ cần nghe tới ba chữ "nhà tang lễ" các cô gái đều tìm cách né tránh.

Mức lương hàng tháng của anh là 6.000- 7.000 tệ (21-24 triệu đồng) cao hay thấp hơn tùy thuộc vào khu vực, dù vậy không vượt quá 10.000 tệ (35 triệu đồng).

"Dù không cao nhưng đây vẫn là mức lương chấp nhận được so với mặt bằng chung", Lưu nói. Ngoài ra, việc người trẻ như anh còn trụ lại với nghề còn bởi các mối quan hệ tại nơi làm việc ít phức tạp và khắt khe hơn. Anh tin ngành tang lễ đã tồn tại từ lâu và tiếp tục phát triển trong tương lai gần nhưng thiếu người được đào tạo bài bản.

Trần Thiếu Thu, sinh năm 1996 là đồng nghiệp của Lưu. Cô gái quê Tứ Xuyên thích ngành tang lễ khi xem một bộ phim tài liệu nói về dịch vụ này lúc còn nhỏ. Lên đại học, Trần quyết nộp đơn vào ngành tang lễ dù bị gia đình phản đối và đòi từ mặt.

Theo cô gái 28 tuổi, giới trẻ lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến cái chết hoặc đám tang vốn không được xã hội Trung Quốc chấp nhận rộng rãi, đặc biệt trong thế hệ cũ. Người lớn tuổi vốn không coi đó là công việc hay ho và xu hướng liên kết công việc này với sự đen đủi, xui xẻo.

Sau 6 năm chuyên trách nghề khâm liệm, gần đây Trần được giao thêm mảng hành chính, yêu cầu tiếp xúc với người nhà người đã khuất nhiều hơn để chữa lành tâm lý cho họ.

"Hiện nhu cầu nữ giới làm ngành này rất lớn bởi nhiều gia đình yêu cầu phải là nhân viên nữ khâm liệm lần cuối", Trần nói. Cô cũng tiết lộ, những năm gần đây, cách nhìn nhận của xã hội về ngành tang lễ đã có phần cởi mở hơn, cũng như ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân vào ngành.

"Nhiều điều cấm kỵ đã được giảm bớt. Ví dụ năm ngoái tôi được bạn mời về quê dự đám cưới, thậm chí còn được chọn làm phù dâu", cô kể. Gần đây Trần đã có bạn trai - người rất thông cảm cho công việc của cô - điều mà khoảng ba năm trước vẫn là việc khó tin.

Không chỉ vậy, nghề khâm liệm cũng đem đến cho Trần những trải nghiệm đặc biệt mà người ngoài ít có được. Theo cô, công việc của nhân viên khâm liệm giúp người mất đi tới một hành trình mới cũng như thay họ gửi lời chào cuối cùng tới người thân của mình.

Thái Quang Cường tại nơi làm việc ở nhà tang lễ thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: sohu

Thái Quang Cường tại nơi làm việc ở nhà tang lễ thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: sohu

Thái Quang Cường, 28 tuổi, đã làm việc tại nhà tang lễ Thành Đô được 6 năm. Có những ngày, chàng trai này phải khâm liệm cho hàng chục thi thể.

Anh nhớ lại khách hàng đầu tiên của mình là một cô gái 17 tuổi bị tai nạn ô tô. Dù đã quen thuộc với các kỹ thuật thực hành trên lớp nhưng khi chạm vào khuôn mặt còn ấm áp của cô gái, Thái đã bật khóc. Sau khi trấn tĩnh, anh cẩn thận gội đầu và thoa một lớp son bóng sáng cho cô.

Theo chàng trai, kiềm chế cảm xúc là đức tính quan trọng để theo nghề. Nếu để lộ tâm trạng cá nhân sẽ bị đồng nghiệp đánh giá thiếu chuyên nghiệp, người nhà người đã khuất cũng không thể yên lòng.

Thái đến nhà tang lễ làm việc mỗi ngày. Mỗi khi nhìn thấy anh, người nhà khách hàng dường như tìm được một chỗ dựa tinh thần mới. "Ai cũng muốn người thân phải thật đẹp và tinh tươm khi sang thế giới bên kia. Chúng tôi có thể giúp họ làm được điều đó", Thái nói.

Thời gian làm việc, chàng trai này hầu như không giao tiếp với người nhà khách hàng, nhưng khi cần vẫn xin thêm ý kiến. Có lần Thái hỏi gia đình người mất có khuôn mặt vàng bệch vì bệnh gan, liệu muốn trang điểm cho thi thể sáng trắng thêm không. Người vợ từ chối bởi muốn lưu lại hình ảnh người thân ở trạng thái quen thuộc nhất. Ngày trao thi thể, cô đã bật khóc nói lời cảm ơn tới Thái vì đã trang điểm cho chồng mình giống như đang ngủ.

Theo chàng trai 28 tuổi, đây là trải nghiệm đặc biệt với những cảm xúc khó tả thành lời.

"Bất kể người quá cố qua đời vì tuổi già hay còn trẻ, chúng tôi đều hy vọng có thể giúp họ mang đến cho người nhà một cái kết và lời tạm biệt hoàn hảo hơn", Thái nói.

Trang Vy (Theo cyol, sohu)

Bạn đang đọc bài viết "Nghề làm đẹp cho người chết" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]