Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ

28/04/2024 20:14

Doanh nhân Ngô Công Trường là người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ, và là 1 trong 4 vị quản lý trẻ tuổi nhất lịch sử tập đoàn Kimberly Clark.

TS Ngô Công Trường chia sẻ về quá trình nhận visa nhân tài của Mỹ.

Doanh nhân Ngô Công Trường là người sáng lập và giám đốc chuyên môn tại Công ty cổ phần tư vấn và giáo dục John&Partners, công ty tư vấn và đào tạo doanh nghiệp chuyên về mô hình Operational Excellence. Công ty đã hoạt động được khoảng 15 năm và cung cấp dịch vụ cho hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu.

Năm 2022, doanh nhân Ngô Công Trường trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài (EB-1A) từ Chính phủ Mỹ và hiện sinh sống, làm việc tại xứ cờ hoa. Trong hơn 2 năm sống tại Mỹ, anh đã thành lập thêm một số doanh nghiệp mới, tận dụng làn sóng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hoá khả năng. Ngoài ra, anh cũng là người sáng lập tạp chí doanh nghiệp và quản trị bằng tiếng Anh có tên BizInsider.

Song song với đó, anh Trường cũng làm việc trong lĩnh vực nhượng quyền, mua bán doanh nghiệp tại Mỹ. Đồng thời, anh là thành viên cấp cao trong nhiều tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận (NGO) như Hiệp hội chất lượng Mỹ (ASQ), tổ chức Hiệp hội bất động sản Việt Nam toàn cầu - VNARP (Vietnamese Association of Realtor Professionals). Tại Việt Nam, anh giữ vai trò chủ tịch và người sáng lập VSE, cộng đồng chuyên gia xuất sắc để giúp Việt Nam phát triển.

Chàng trai nghèo vượt khó

Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng mình là “con nhà người ta” hay người “sinh ra ở vạch đích”, TS Ngô Công Trường chia sẻ gia đình anh trước đây rất khó khăn. Bản thân anh cũng là người đầu tiên trong gia đình có cơ hội đi học đại học. Khi ấy, anh đã chọn ngành Cơ điện tử của Đại học Bách khoa TP.HCM, một trong những ngành khó nhất.

“Vì là người đầu tiên được đi học đại học trong gia đình nên lúc đó tôi không có ai để hỏi, chỉ nghĩ được rằng mình phải chọn trường tốt nhất, ngành tốt nhất để học. Thời điểm ấy, Cơ điện tử là ngành cao điểm nhất tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, phải liều lắm mới dám học. Giờ nghĩ lại tôi thấy thật may mắn vì đã đưa ra lựa chọn đúng đắn”, anh Ngô Công Trường chia sẻ.

Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ- Ảnh 1.

Doanh nhân Ngô Công Trường là người Việt đầu tiên được nhận visa nhân tài từ Chính phủ Mỹ theo diện chuyên gia tư vấn doanh nghiệp về mô hình Operational Excellence.

Anh Trường cho biết thời còn là sinh viên, anh cũng nhận được một vài lời mời thực tập tại các tập đoàn tên tuổi của thế giới như Kimberly Clark, Intel hay Unilever… và anh đã lựa chọn Kimberly Clark. Tại đây, anh có cơ hội tham gia chương trình quản trị viên tập sự và trở thành một trong 4 vị quản lý trẻ tuổi nhất lịch sử tập đoàn.

Sau thời gian đi làm và có cơ hội đảm nhận những vị trí quan trọng trong nhiều tập đoàn lớn, anh Trường vẫn trăn trở vì chưa thể phát huy hết khả năng và ứng dụng toàn bộ kỹ năng, kiến thức mình học được. Theo đó, anh đã quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục và tư vấn - đào tạo bởi đây là ngành có thể giúp anh đóng góp cho sự thay đổi cốt lõi xã hội.

Chia sẻ thêm về lựa chọn này, nam doanh nhân tâm sự: “Khi ấy mình chọn lĩnh vực dễ thay đổi được cốt lõi xã hội và mình chọn làm công ty đào tạo. Nhưng đào tại chỉ dùng từ 'training' thì chưa đủ nên sau đó công ty mình lập chọn tên giáo dục (education), trong education đã bao gồm training (đào tạo), coaching (huấn luyện), mentoring. (hướng dẫn). Nhưng education cũng chưa đủ vì mới chỉ thay đổi được cái gốc, còn cái ngọn liên quan tới các đối tượng lãnh đạo thì chưa thể tác động. Đó là lý do vì sao mình đưa cả consulting (tư vấn) vào công ty”.

Để chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp, anh Trường đã tích cực trau đồi kiến thức, kỹ năng. Anh học thạc sĩ và sau đó lên tiến sĩ ngành quan trị kinh doanh. Chưa hết, để khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, anh còn theo học về hệ thống đào tạo, giáo dục cấp cao.

Những kiến thức và sự nỗ lực này đã trở thành nền tảng vững chắc, đặt nền móng cho hoạt động của công ty John&Partners trong hơn 15 năm qua.

Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ- Ảnh 2.

doanh nhan ngo cong truong.jpgTS Ngô Công Trường

Được nước Mỹ công nhận

Năm 2022, anh Ngô Công Trường sang Mỹ sinh sống và làm việc dưới diện nhân tài được Chính phủ Mỹ công nhận. Chia sẻ về lý do lựa chọn nước Mỹ, người sáng lập John&Partners tâm sự mục đích đầu tiên là vì con anh, nhưng hơn cả, anh muốn trở thành cầu nối và thúc đẩy nhiều người Việt Nam lựa chọn con đường giống mình và được nhận chứng nhận nhân tài ở Mỹ.

“Mình tin rằng người Việt Nam, so về mặt trí tuệ, không thua bất kỳ quốc gia nào. Lúc đó, mình nghĩ nếu nộp đơn EB-1A và thành công, mình sẽ tạo niềm tin cho rất nhiều người sau đó rằng họ cũng làm được. Nhiều người Việt Nam rất giỏi”, anh Trường bộc bạch.

Anh chia sẻ, đối với visa EB-1A, Chính phủ Mỹ đặt ra rất nhiều yêu cầu khó, bao gồm: học vị từ Tiến sĩ trở lên; phải giữ chức vụ quan trọng trong tổ chức của mình; phải có ảnh hưởng trong cộng đồng, xã hội, có thành tích nghiên cứu, có ấn phẩm như sách, báo, xuất hiện trên ti vi, là người của công chúng; phải chứng minh bạn là người có thu nhập cao nhất trong lĩnh vực đó, có thành tựu mang tầm quốc tế… Ngoài ra, người xin visa diện nhân tài cũng cần tới 12 thư giới thiệu từ những chuyên gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu khác.

May mắn thay, trước đó năm 2015 - 2016, anh Trường từng có cơ hội qua Mỹ làm chuyên gia. Khi ấy, anh đã có nhiều đóng góp nên việc xin thư giới thiệu không phải vấn đề khó khăn. Năm 2018, anh cũng được Hiệp hội Chất lượng Mỹ (ASQ) công nhận là nhân tài trong top 40 chuyên gia xuất sắc toàn cầu, anh đồng thời cũng giữ chức vụ Giám đốc ASQ tại Việt Nam. Những yếu tố này cộng lại giúp việc xin visa của anh trở nên dễ dàng hơn và anh trở thành người Việt Nam đầu tiên được Chính phủ Mỹ cấp chứng nhận nhân tài vào năm 2022.

Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ- Ảnh 3.

TS Ngô Công Trường nhận giải thưởng với vai trò Giám đốc hiệp hội chất lượng Mỹ tại Việt Nam, thành viên ban giám đốc hiệp hội xe hơi Mỹ và thành viên ban giám đốc của ASQ (Hiệp hội chất lượng Mỹ) tại Houston, Texas.

Thay đổi hình ảnh về tri thức Việt

Là người Việt Nam đầu tiên nhận chứng nhận nhân tài EB-1A, anh Ngô Công Trường đã phần nào giúp thay đổi hình ảnh, suy nghĩ về tri thức Việt. Chia sẻ thêm về quá trình nộp hồ sơ xin visa EB-1A, nam doanh nhân cho biết 2 quốc gia châu Á có nhiều người cũng tham gia chương trình visa nhân tài này nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này đặc biệt dễ hiểu khi CEO các tập đoàn lớn trên thế giới phần lớn là người gốc Ấn. Để chuẩn bị cho tấm "thẻ xanh" quyền lực này, anh Trường nói rằng nhiều người thậm chí đã được cha mẹ định hướng sẵn từ nhỏ để chuẩn bị cho các điều kiện khắt khe của EB-1A.

Trong khi đó, trường hợp của anh Trường, là người Việt Nam đầu tiên nhận EB-1A, cũng được đánh giá rất cao, bởi đa số người Việt xin visa sinh sống ở Mỹ thường theo 2 cách: Xuất khẩu lao động hoặc tham gia đầu tư ở nước sở tại. Việc có người Việt được công nhận là nhân tài ở Mỹ sẽ giúp thay đổi cách người nước ngoài nhìn nhận về người Việt và trí thức Việt. Anh nói thêm, sau anh, cũng có thêm vài người Việt nộp hồ sơ xin chứng nhận visa nhân tài, điều này là một sự thay đổi vô cùng tích cực.

Với việc có tẩm thẻ xanh diện nhân tài, được chính phủ Mỹ công nhận, anh Trường cho biết mọi người cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều khi sinh sống và làm việc, kinh doanh tại Mỹ. Diện visa được cấp sẽ in trên tấm thẻ xanh, do đó, mọi người sẽ hiểu được vị trí và vai trò của người được coi là "nhân tài".

"Trên thẻ xanh có in loại hình visa mình ở lại Mỹ, do đó khi nhìn vào người ta sẽ biết mình ở lại Mỹ theo diện gì, người ta cũng đối xử với bạn theo diện đó. Do đó, khi xem hồ sơ, thấy bạn và gia đình ở lại Mỹ theo diện nhân tài EB-1A, mọi thứ sẽ thuận lợi hơn nhiều. Khi có thẻ xanh này, mình làm việc cũng thuận lợi hơn, chỉ cần đưa thẻ xanh này ra là người ta hiểu mình là ai và được tạo điều kiện hơn", anh kể lại.

Thành công nơi xứ người

Sau khi sang Mỹ, anh Ngô Công Trường tiếp tục công việc tại John&Partners, đồng thời anh cũng tận dụng các cơ hội để mở thêm một vài doanh nghiệp mới tại nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chia sẻ về những thành công ở đất Mỹ, nam doanh nhân cho biết chìa khoá của anh nằm ở sự nỗ lực. Anh Trường chia sẻ, điều quan trọng cần có khi khởi nghiệp là phải quyết tâm, ngay cả khi được công nhận là “nhân tài” nhưng anh vẫn tận tâm với công việc.

Anh nói: “Mình là người làm việc không có cuối tuần và không ngày nghỉ, luôn cố gắng hết mình không ngừng nghỉ”.

Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ- Ảnh 4.

Anh Ngô Công Trường và công ty John&Partners đã gặt hái nhiều thành công sau 15 năm hoạt động.

Ngoài ra, anh Trường chia sẻ anh cũng đã thích ứng để nắm bắt cơ hội khi sống tại Mỹ. Theo nam doanh nhân, ở những quốc gia như châu Âu và Mỹ, mọi người thừa hưởng nhiều thuận lợi từ sự phát triển sẵn có, từ hệ thống tiên tiến. Do đó, họ thường ngại bước khỏi vùng an toàn và thử sức trước những cái mới. Tư duy này rất khác so với Việt Nam. Vậy nên, khi qua Mỹ, anh đã nhận thấy nhiều cơ hội và tiềm năng khởi nghiệp tại đây và đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ.

Thật vậy, với tài năng và sự quyết tâm, doanh nghiệp của anh Trường đã “lội ngược dòng” ngay cả trong thời điểm đại dịch COVID-19 khiến cả thế giới “lao đao”.

Anh Trường chia sẻ, COVID-19 là thời điểm rất nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề và đóng cửa. Nhưng với anh thì ngược lại, đây là thời điểm John&Partner phát triển mạnh mẽ nhất và anh kiếm được hàng triệu USD trong thời gian này. Khi Mỹ cùng nhiều quốc gia khác áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, các công ty phải chuyển về làm việc tại nhà, nhu cầu đi học thêm các khoá kỹ năng của mọi người cũng tăng lên. Hệ thống học trực tuyến của anh lúc này phát huy tác dụng.

" Thời điểm COVID-19 bùng phát, mình chỉ việc mở khoá học và thu hút rất nhiều người tham gia trong khi những đối thủ khác mới bắt đầu nghiên cứu và đào tạo nhân viên sử dụng hệ thống học trực tuyến” , anh kể lại.

Đối với anh Trường, COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các công ty khởi nghiệp vươn lên. Bởi COVID-19 một mặt đã kéo cả xã hội chậm lại, bao gồm cả những công ty đa quốc gia với kinh nghiệm lên tới cả trăm năm. Công ty càng lớn thì việc thay đổi và thích ứng càng gặp khó khăn vì bộ máy của họ đã hoạt động từ lâu. Theo đó, anh cho rằng việc nắm bắt cơ hội “le lói” từ thách thức này là chìa khoá giúp các công ty khởi nghiệp vươn lên và bắt kịp với những công ty lớn.

Đồng thời, anh Trường cũng lưu ý rằng các công ty nên có sự chuẩn bị sẵn sàng. Với việc đã tích hợp tự động hoá vào hệ thống công ty từ lâu, khi COVID-19 xảy ra, John&Partners đã có thể nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội vươn lên. Nhờ vậy, công ty của anh hiện đang duy trì đà tăng trưởng ổn định qua từng năm.

Chia sẻ thêm về thành công khởi nghiệp, nam doanh nhân người Việt cho rằng một điều quan trọng khác cần lưu ý là lối tư duy “Think big, Do small” - tức là "nghĩ lớn nhưng bắt đầu làm từ những việc nhỏ". Ngoài ra, nhà khởi nghiệp cũng cần làm việc một cách chăm chỉ và thông minh. Với việc làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên, đây là thời điểm thích hợp để những người trẻ, những người ấp ủ ước mơ khởi nghiệp, nắm bắt và tận dụng công cụ này.

“Với nền công nghiệp 4.0, AI và Internet phổ biến như hiện nay, đây là cơ hội cho Việt Nam để vươn ra toàn cầu” , anh Trường khẳng định.

Hiện TS Ngô Công Trường cùng đội ngũ cộng sự tại Silicon Valley đang khởi tạo nhiều doanh nghiệp thành công về AI, tiêu biểu như XpertPro.AI, AI SMARTUP, XpertBrains, RocketAgent, 10Metrics Realty, IVBB,…

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]