Những câu hỏi lớn xoay quanh các ngôi mộ tập thể vừa phát hiện ở Gaza

26/04/2024 20:14

Việc phát hiện những ngôi mộ tập thể tại hai bệnh viện ở Gaza, được giới chức Palestine cho biết có chứa hàng trăm thi thể, đã khiến Liên hợp quốc (LHQ) hối thúc một cuộc điều tra quốc tế.

Những câu hỏi lớn xoay quanh các ngôi mộ tập thể vừa phát hiện ở Gaza- Ảnh 1.

Một ngôi mộ tập thể được phát hiện gần bệnh viện Nasser. Ảnh: Anadolu

Sự tồn tại của những ngôi mộ tập thể được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện tiềm ẩn tội ác chiến tranh. Theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), hành động xâm phạm hoặc hủy hoại xác chết là tội ác chiến tranh.

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, giới chức Palestine cho biết họ đã phát hiện hai khu mộ tập thể gần bệnh viện Nasser ở trung tâm Gaza vào ngày 21/4. Hai ngôi mộ này chứa gần 400 thi thể và được phát hiện sau khi quân đội Israel rút khỏi thành phố Khan Younis vào ngày 7/4 sau chiến dịch tấn công trên bộ kéo dài 4 tháng. Ông Ismail Al-Thawabteh, người đứng đầu văn phòng truyền thông của Gaza, cho biết khoảng 700 người trong thành phố vẫn được cho là mất tích kể từ khi Israel rút quân.

Trong khi đó, một ngôi mộ khác cũng được giới chức Palestine tìm thấy tại bệnh viện Al Shifa ở phía Bắc Gaza – khu vực từng bị lực lượng đặc biệt Israel tấn công. Các video nhân chứng quay lại cho thấy hoạt động đào mộ gần bệnh viện được thực hiện kể từ tháng 11 năm ngoái.

Ngày 23/4, người phát ngôn LHQ Ravina Shamdasani cho biết cần phải tiến hành một cuộc điều tra để xác minh số lượng thi thể.

“Một số người trong số họ bị trói tay, điều này tất nhiên cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế và luật nhân đạo quốc tế. Những sự việc này cần phải được điều tra thêm”, người phát ngôn Shamdasani, thay mặt cho Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk, phát biểu trước báo giới.

Hiện ICC cũng đang điều tra về vụ tập kích của lực lượng Hamas vào ngày 7/10/2023 và phản ứng của quân đội Israel. Tuy nhiên, văn phòng công tố viên ICC chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về việc phát hiện các ngôi mộ tập thể.

Về phần mình, trong một tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nói rằng những cáo buộc của chính quyền Palestine rằng IDF đã chôn cất các thi thể là vô căn cứ. Họ cho biết những ngôi mộ này do chính người Palestine đào và công bố đoạn phim cho thấy những ngôi mộ này có từ trước khi IDF triển khai hoạt động vào khu vực.

Đơn vị IDF làm nhiệm vụ tìm kiếm con tin Israel đã kiểm tra các thi thể được chôn gần bệnh viện Nasser và sau đó trao trả chúng. “Việc khám nghiệm được thực hiện một cách cẩn thận và không xâm phạm xác chết”, thông cáo báo chí của IDF nêu rõ.

Xâm phạm mộ tập thể có bị coi là trái pháp luật?

Theo Công ước Geneva năm 1949 trong đó Israel tham gia ký kết, các bên tham gia xung đột phải thực hiện mọi biện pháp khả thi để ngăn chặn việc thi thể người chết bị phá hoại.

Theo Luật nhân đạo quốc tế (IHL), thi thể người chết phải được tôn trọng, bao gồm nghĩa vụ đảm bảo các ngôi mộ không bị xâm phạm, cướp bóc và việc nhận dạng, chôn cất hài cốt phải được thực hiện đúng cách. IHL cũng khuyến cáo các bên nên thực hiện các biện pháp để bảo vệ các khu mộ, bao gồm cả những khu mộ tập thể.

Năm 2002, trong một trường hợp liên quan đến vụ sát hại người Palestine tại trại tị nạn Jenin ở Bờ Tây, Tòa án Tối cao Israel đã phán quyết Bộ Quốc phòng Israel phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế về việc xác định vị trí, nhận dạng, sơ tán và chôn cất các thi thể người Palestine thiệt mạng trong giao tranh. Các thẩm phán cho biết thi thể không nên được chôn trong các ngôi mộ tập thể mà phải giao cho chính quyền Palestine.

Vai trò của mộ tập thể trong các vụ xét xử tội ác chiến tranh quá khứ?

Bằng chứng từ các cuộc khai quật mộ tập thể đóng một vai trò quan trọng trong các phiên xét xử của Tòa án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh tại Nam Tư cũ (ICTY) liên quan đến cáo buộc vụ thảm sát Srebrenica năm 1995 đối với khoảng 8.000 đàn ông và bé trai Hồi giáo bởi lực lượng người Serb ở Bosnia là một tội ác diệt chủng.

Trong phiên tòa xét xử tướng người Serbia gốc Bosnia Radislav Krstic, người đầu tiên bị ICTY kết án về tội diệt chủng vào năm 2001, các thẩm phán nhận được bằng chứng hàng trăm nạn nhân bị chôn vùi trong tình trạng bị bịt mắt và bị trói tay sau lưng. Những bằng chứng này đủ để kết luận rằng các nạn nhân không bị giết khi trực tiếp tham gia chiến đấu.

Trong một tuyên bố về tình hình Gaza ngày 24/4, Ủy ban Quốc tế về Người mất tích (ICMP) cho biết: “Những ngôi mộ tập thể chứa đựng bằng chứng quan trọng cho thấy sự thật về sự kiện đã xảy ra. Cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ các ngôi mộ đó ngay lập tức”. Theo ICMP, các biện pháp bảo vệ này có thể đưa thủ phạm ra ánh sáng công lý trong trường hợp tội ác chiến tranh thực sự xảy ra. ICMP từng tham xác định hàng nghìn nạn nhân bị chôn trong các ngôi mộ tập thể trong các cuộc chiến tranh Balkan vào những năm 1990.

Bạn đang đọc bài viết "Những câu hỏi lớn xoay quanh các ngôi mộ tập thể vừa phát hiện ở Gaza" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]