Nỗi sợ vay mượn ngăn cản phụ nữ khởi nghiệp

27/04/2024 04:03

Nhu cầu khởi nghiệp, tự chủ tài chính của phái nữ khá lớn tuy nhiên họ gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, áp lực trả nợ, thiếu hụt kiến thức kinh doanh.

Thông tin được chia sẻ trong buổi workshop thuộc chương trình "Vượt rào cản vốn và kiến thức, doanh nghiệp nữ chủ cất cánh" do F88 tổ chức vào ngày 19/4 tại Hà Nội. Đây là chương trình được F88 dành riêng cho phụ nữ Việt, nhất là những ai đang muốn khởi nghiệp với các dự án nhỏ.

Các diễn giả tham dự workshop lần lượt từ trái sang gồm chị Lê Quỳnh Trang, chị Nguyễn Hoài và chị Lê Hằng. Ảnh: Thành Đông

Các diễn giả tham dự workshop lần lượt từ trái sang gồm chị Lê Quỳnh Trang, chị Nguyễn Hoài và chị Lê Hằng. Ảnh: Thành Đông

Các diễn giả tham dự workshop gồm thạc sĩ chuyên ngành quản lý và marketing, người sáng lập hệ thống phòng tập GymHaus Boutique Fitness Lê Hằng, người sáng lập thương hiệu bánh chưng Nương Bắc Nguyễn Hoài và chị Lê Quỳnh Trang - Giám đốc truyền thông thương hiệu F88. Cả ba chuyên gia cùng chia sẻ nhiều kiến thức chuyên môn về ý tưởng khởi nghiệp, quy trình quảng cáo tiếp thị.

Báo cáo Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2024 chỉ ra rằng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam là do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, khoảng trống tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ điều hành tại Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 6,2 tỷ USD, theo thông tin từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Những con số này cho thấy nhu cầu khởi nghiệp, tự chủ tài chính của chị em khá lớn nhưng đang họ gặp khó khăn về tài chính cũng như thiếu hụt các kiến thức kinh doanh.

Theo Giám đốc truyền thông thương hiệu F88, huy động vốn là một trong những vấn đề phụ nữ tự doanh cần quan tâm. Hiện nay nhu cầu vay vốn ngày càng cao, nguồn vay vốn đa dạng, linh hoạt và được chia thành nhiều nhóm.

Các diễn giả cung cấp nhiều kiến thức về vốn, quản trị kinh doanh và quản lý dòng tiền. Ảnh: Thành Đông

Các diễn giả cung cấp nhiều kiến thức về vốn, quản trị kinh doanh và quản lý dòng tiền. Ảnh: Thành Đông

Nhóm đầu tiên là nguồn vay từ chính người thân, bạn bè hoặc các quỹ quốc tế, phi chính phủ dành cho những đối tượng đặc biệt. Nguồn vốn này có đặc điểm là lãi suất thấp, dễ trả nợ nhưng không dồi dào, người vay phải đáp ứng nhiều điều kiện.

Nguồn vốn thứ 2 đến từ ngân hàng. Đây là địa điểm vay chính thống, lãi suất vừa phải, nhưng phải đáp ứng nhu cầu khắt khe, chứng minh nhiều hồ sơ. Thứ ba là các công ty tài chính tiêu dùng, chuỗi cho vay tài sản cầm cố, ví dụ như F88. Ngoài ra còn hình thức cho vay trực tiếp giữa người với người, vay qua app.

"Nguồn vay nào càng dễ dàng thì càng nhiều rủi ro và khách hàng nên tìm hiểu rõ về từng nguồn vay để lựa chọn cho phù hợp", chị Trang lưu ý.

Để tránh vướng vào tín dụng đen hoặc các nguồn vay phi pháp, người tiêu dùng cần ưu tiên tìm đến các công ty uy tín, hợp pháp, có giấy phép đăng ký kinh doanh, có thông tin trên báo chính thống và có địa điểm kinh doanh.

Chia sẻ về vấn đề vay vốn khởi nghiệp, người sáng lập thương hiệu bánh chưng Nương Bắc Nguyễn Hoài cho biết khi khởi nghiệp chị không có nhiều kiến thức, vừa sinh con nhỏ, không có công việc, thiếu hiểu biết nên rất sợ vay mượn, ngại không trả được nợ.

"Nỗi sợ vay mượn đã khiến cơ hội khởi nghiệp của tôi gặp nhiều khó khăn. Do ít thông tin về các khoản vay cùng với rào cản niềm tin, tôi đã không mạnh dạn tìm đến các nguồn tín dụng", chị Hoài nói.

Về vấn đề này, chị Trang cho rằng được tiếp cận vốn sẽ giúp phụ nữ, đặc biệt phụ nữ yếu thế "thay đổi cuộc đời". Nhiều khách hàng của F88 có cuộc sống khó khăn, không kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. Sau khi được vay vốn, họ đã có cơ hội mở ra những sinh kế để mưu sinh như mở hàng ăn đêm, mở quán nước hay cơ sở sản xuất thạch dừa.

Một điểm cần lưu ý về nguồn vốn được các diễn giả nhấn mạnh là vấn đề quản trị dòng tiền. Những người mới khởi nghiệp cần tích lũy, phân bổ vốn, không để chi phí sinh hoạt vào chung tiền khởi nghiệp. Đặc biệt cần lường trước được các rủi ro và chuẩn bị sẵn tinh thần thất bại để tránh cụt vốn, việc khởi nghiệp đi vào bế tắc.

Sau vấn đề vốn, kiến thức kinh doanh cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Theo các chuyên gia, việc thiếu kiến thức gây ảnh hưởng đến dòng tiền, tăng khả năng thất bại. Không có kiến thức sẽ không nắm bắt được các ý tưởng kinh doanh, không biết quản lý dòng tiền, không biết các biện pháp tăng cường khả năng bán hàng, không biết xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, việc không có kiến thức còn gây ảnh hưởng đến tâm lý người chủ. Công việc không thuận lợi làm người khởi nghiệp luôn căng thẳng, lo âu.

Thạc sĩ marketing Lê Hằng (áo hồng) phát biểu trong workshop. Ảnh: Thành Đông

Thạc sĩ marketing Lê Hằng (áo hồng) phát biểu trong workshop. Ảnh: Thành Đông

Đi sâu vào phân tích mô hình kinh doanh nhỏ với vốn dưới 20 triệu hoặc từ 20-30 triệu đồng, thạc sĩ chuyên ngành quản lý và marketing Lê Hằng đưa lời khuyên cần tối ưu hóa nguồn lực do nguồn vốn hạn chế. Ví dụ kinh doanh truyền thống thì cân đối về địa điểm, mặt bằng theo vốn nhưng cần tập trung tạo nét riêng cho cửa hàng, nâng cảm xúc cho khách hàng. Còn với kinh doanh online, người khởi nghiệp nên tập trung vào sản phẩm, không nên dành quá nhiều tiền cho marketing.

"Ngoài ra, có thể đa dạng hóa sản phẩm trên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau", bà Hằng nói.

Các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán về xu hướng ngành nghề trong thời gian này. Đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục từ xa, tổ chức khóa học hoặc kinh doanh thực phẩm.

Bà Lê Hằng lưu ý chị em nên tích cực học hỏi mô hình kinh doanh thành công, đặc biệt là học từ nước ngoài để giúp tìm ra hướng kinh doanh phù hợp. Cần định kỳ đánh giá hiệu quả bán hàng, xem xét lại các khâu trong quá trình kinh doanh, từ marketing, tư vấn bán hàng đến chăm sóc khách hàng.

Chuyên gia Nguyễn Hoài chia sẻ bài học thực tế từ những ngày đầu khởi nghiệp của mình, cách giãn nợ, lấy hàng trước trả tiền sau nhờ xây dựng niềm tin và uy tín doanh nghiệp với các đối tác.

"Mỗi người bán hàng cần xây dựng thương hiệu cá nhân bằng sự chân thành và đam mê sản phẩm, từ đó mới có thể thuyết phục được mọi người", bà Hoài nói.

Đặc biệt với những người khởi nghiệp bằng vốn vay cần lưu ý đến kế hoạch trả nợ. Các chuyên gia cho rằng cần hiểu rõ trong hợp đồng có những khoản chi phí nào, từ đó xây dựng kế hoạch chi trả phù hợp. Ngoài ra có thể học thêm về quản lý tài chính cá nhân, sử dụng các nền tảng ứng dụng quản lý tài chính và có thêm khoản dự phòng. Điều này giúp người khởi nghiệp tránh được các rủi ro phải huy động thêm vốn và dễ vỡ kế hoạch.

Để giảm bớt những rủi ro khi khởi nghiệp, mấu chốt vẫn là xây dựng sản phẩm chất lượng, tìm ra những hướng khác biệt, xác định rõ quy mô của thương hiệu. Nếu chưa đủ sức để quản lý một doanh nghiệp lớn, không nên kêu gọi đầu tư hoặc bán nhượng quyền thương hiệu. Cần định hình rõ mục tiêu kinh doanh, hiểu sâu về nguồn lực (năng lực bản thân, nhân sự xung quanh, đơn vị vay vốn).

"Trong quá trình khởi nghiệp, khi gặp những khó khăn hay thất bại tôi đều cố gắng tìm cách vượt qua, phân tích rút ra những bài học để tránh lặp lại trong tương lai", bà Hoài nói thêm.

Workshop "Vượt rào cản vốn và kiến thức, doanh nghiệp nữ chủ cất cánh" là một phần nằm trong chuỗi thúc đẩy bình đẳng giới của F88. Nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, F88 đã tổ chức nhiều chương trình hướng về phụ nữ khởi nghiệp như ra mắt gói vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vào ngày 8/3, chương trình "Ước mơ xanh" hỗ trợ xây dựng một mô hình kinh doanh riêng cho phụ nữ với mục đích tự chủ tài chính. Người được hỗ trợ là những phụ nữ không có thu nhập và có mong muốn được kinh doanh để vươn lên trong cuộc sống...

Yên Chi

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi sợ vay mượn ngăn cản phụ nữ khởi nghiệp" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]