Chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn sẽ ra sao trong môi trường nhiều nỗi lo hiện nay?
Các ngân hàng trung ương lớn đã kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ lịch sử của họ nhưng những dự đoán về việc tiếp theo đây ai sẽ cắt giảm lãi suất và mức độ cắt giảm sâu như thế nào đã không còn là vấn đề dễ đoán nữa.
Mới chỉ cách đây một tháng, thị trường còn dự kiến Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới – sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ tháng 6/2024. Tuy nhiên sau đó, các cuộc tranh luận về vấn đề này trở nên hỗn loạn khi dữ liệu lạm phát cập nhật của Mỹ nóng hơn dự kiến khiến nhiều người phải lùi thời điểm dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thực hiện đợt cắt giảm đầu tiên sang tháng 9/2024.
Lịch trình các cuộc họp sắp tới của những ngân hàng trung ương (NHTƯ) có trên 50% khả năng sẽ giảm lãi suất (riêng Nhật Bản có thể sẽ tăng lãi suất).
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã phát tín hiệu rằng họ sẽ sớm kết thúc cuộc chiến chống lạm phát, trong khi Úc và Na Uy còn nhiều điều phải lo lắng hơn.
Dưới đây là quan điểm của các ngân hàng trung ương lớn:
Các NHTƯ lớn bắt đầu giảm lãi suất (Thụy Sỹ giảm từ tháng 3/2024)
TIÊN PHONG GIẢM LÃI SUẤT
1/ THỤY SĨ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) vào tháng 3/2024 đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) xuống 1,50%. Động thái bất ngờ này đã khiến đồng franc Thụy Sỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng so với đồng euro.
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của SNB trong vòng 9 năm và với lạm phát vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 0-2% trong nhiều tháng, các nhà giao dịch mong đợi một lần cắt giảm 1/4 điểm nữa tại cuộc họp ngày 20/6 .
SNB là NHTƯ lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất.
CÓ THỂ TIẾP THEO SẼ ĐẾN LƯỢT:
2/ THỤY ĐIỂN
Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) trong kỳ họp tháng 3 đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 4% và phát tín hiệu nếu lạm phát tiếp tục giảm về mức mục tiêu 2% thì sẽ bắt đầu tiến hành một loạt đợt cắt giảm lãi suất, có thể ngay từ tháng 5.
Các thị trường coi khả năng Riksbank cắt giảm vào ngày 7 tháng 5 là 50-50, sau khi Thống đốc Erik Thedeen cảnh báo đồng euro giảm giá so với đồng crown của Thụy Điển có thể đẩy lạm phát tăng trở lại.
Thụy Điển giữ nguyên lãi suất.
3/ KHU VỰC ĐỒNG EURO
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hôm thứ Năm (11/4) đã giữ nguyên lãi suất đúng như thị trường dự đoán, nhưng phát tín hiệu rõ ràng về việc chuẩn bị cắt giảm khi lạm phát gần đạt mục tiêu 2%.
Với đồng euro ở mức thấp nhất trong hai tháng, là khoảng 1,07 USD, một số nhà phân tích tin rằng đồng tiền yếu cùng với giá dầu tăng sẽ ngăn cản ECB cắt giảm lãi suất quá sâu.
Các nhà giao dịch nhận thấy xác suất về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 tới là 2/3, với tổng mức giảm từ nay đến cuối năm dự kiến là 75 điểm cơ bản.
ECB giữ nguyên lãi suất ở 4%.
4/ CANADA
Ngân hàng Canada (BoC) hôm thứ Tư (10/4) giữ nguyên lãi suất ở mức 5% nhưng đưa ra những dấu hiệu chắc chắn rằng họ đã sẵn sàng nới lỏng.
Thị trường tiền tệ gần như hoàn toàn xác định BoC sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024, thậm chí có gần 50% khả năng cắt giảm vào tháng 6/2024.
BoC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 2,4% xuống 2,2% và cho biết lạm phát sẽ đạt mục tiêu vào năm tới.
BoC có thể bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm nay.
NHỮNG NHTƯ SAU ĐÓ CÓ THỂ HẠ LÃI SUẤT
5/ ANH
Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BOE) đã giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm là 5,25% trong tháng 3, và Thống đốc Andrew Bailey nói rằng nền kinh tế đang "đi đúng hướng" để cắt giảm.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của BoE đang chia rẽ quan điểm về thời điểm nới lỏng các điều kiện tiền tệ. Các nhà giao dịch kỳ vọng BoE sẽ bắt đầu giảm chi phí đi vay vào tháng 8/2024.
Lạm phát của Anh đang giảm.
6/ NEW ZEALAND
Sau khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand hôm thứ Tư (10/4) giữ lãi suất tiền mặt ở mức cao nhất trong 15 năm là 5,5%, các nhà đầu tư đã đặt cược vào việc họ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 8.
Sau khi tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản kể từ tháng 10/2021, New Zealand đã bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật.
NHTƯ New Zealand giữ nguyên lãi suất .
NHỮNG NƠI SẼ NỚI LỎNG MUỘN HƠN
7/ MỸ
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã giữ lãi suất ở mức 5,25% đến 5,5% kể từ tháng 7/2023 và vào tháng 3/2024 đã tái khẳng định dự báo của mình về 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Nhưng các nhà giao dịch hiện cho rằng NHTƯ Mỹ sẽ cắt giảm ít hơn nhiều so với mức họ đã thông báo chỉ một tháng trước đây.
Nguyên nhân là do dữ liệu lạm phát tháng 3 nóng hơn so với dự kiến. Hiện thị trường dự đoán Fed sẽ chỉ cắt giảm 2 lần, tổng cộng 42 điểm cơ bản trong năm 2024, và lần hạ đầu tiên có thể là vào tháng 9.
Chỉ vài giờ trước khi dữ liệu lạm phát được công bố, mặc dù dữ liệu việc làm của Mỹ đã cho thấy sự mạnh mẽ, các nhà giao dịch vẫn dự kiến Fed sẽ cắt giảm tổng cộng 67 điểm cơ bản trong năm nay với tỷ lệ 50-50 cho rằng lần giảm đầu tiên là vào tháng Sáu.
Thị trường dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất từ tháng 9.
8/ ÚC
Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đã giữ lãi suất ở mức cao nhất 12 năm, là 4,35%, trong tháng 3/2024 do nền kinh tế chậm lại.
Các nhà đầu tư đang tranh luận việc liệu RBA có tăng lãi suất lần nữa hay không, khi việc cắt giảm thuế và thị trường việc làm thắt chặt có nguy cơ thúc đẩy lạm phát. Thị trường hiện cho rằng RBA sẽ giữ nguyên lãi suất hiện nay ít nhất cho đến tháng 11 và chỉ nới lỏng 20 điểm cơ bản trong năm nay.
Úc giữ nguyên lãi suất trong tháng 3.
9/ NA UY
Ngân hàng trung ương Na Uy trong tháng 3 đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,50% và Thống đốc Ida Wolden Bache dự đoán chỉ cắt giảm một lần trong năm nay, với thị trường dự đoán nhiều khả năng là vào tháng 11.
Lạm phát giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 3, xuống 3,9%, nhưng có nguy cơ tăng trở lại do tiền lương tăng mạnh và triển vọng kinh tế tươi sáng.
Nauy chưa vội hạ lãi suất.
NHÂN VẬT LUÔN 'MỘT MÌNH MỘT GÓC TRỜI'
10/ NHẬT BẢN
Ngân hàng Nhật Bản tiếp tục một mình một đường. Họ đã chấm dứt 8 năm áp dụng lãi suất âm, khiến chi phí đi vay lên tới 0-0,1% và từ bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất - nơi họ mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản để giảm bớt các điều kiện tài chính.
Tuy nhiên, đồng yên vẫn đang giảm giá, giao dịch gần mức thấp nhất trong 34 năm so với đồng USD. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã bác bỏ khả năng sử dụng biện pháp tăng lãi suất để hỗ trợ đồng tiền. Cuộc họp của BOJ vào ngày 25-26/4 sẽ cung cấp thêm manh mối về động thái tiếp theo của họ.