Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm, vào thời điểm căng thẳng thương mại đôi bên ngày càng gia tăng. Liên minh châu Âu (EU) điều tra các ngành công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm xuất khẩu xe điện; ngược lại Bắc Kinh điều tra việc nhập khẩu đối với hầu hết các loại rượu do Pháp sản xuất.
Tổng thống Macron cho rằng châu Âu và Trung Quốc cần giải quyết những khó khăn mang tính cấu trúc, đặc biệt về thương mại.
"Chúng tôi luôn muốn mối quan hệ với Trung Quốc phát triển xa hơn nữa, điều đó tốt cho tương lai của châu Âu" - ông nói khi cả ba nhà lãnh đạo ngồi tại chiếc bàn tròn tại Điện Elysee.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen thẳng thắn hơn, nói rằng mối quan hệ bị tổn thương do tiếp cận thị trường không bình đẳng và trợ cấp của nhà nước Trung Quốc.
Sau cuộc họp, bà nói với các phóng viên rằng "EU không thể tiếp nhận tình trạng sản xuất quá mức hàng loạt hàng hóa công nghiệp Trung Quốc và đang tràn ngập thị trường châu Âu".
"Chúng tôi không dao động trong việc đưa ra những quyết định khó khăn cần thiết để bảo vệ thị trường châu Âu" – bà Von der Leyen nhấn mạnh.
Lập trường mạnh mẽ hơn của EU về thương mại với Trung Quốc phù hợp với cách tiếp cận của Washington. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo Trung Quốc rằng Washington sẽ không chấp nhận các ngành công nghiệp mới bị hàng nhập khẩu của Trung Quốc "tàn phá".
Bình luận ngắn gọn trước cuộc đàm phán, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông coi quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và cả hai nên tiếp tục cam kết duy trì quan hệ đối tác.
"Khi thế giới bước vào giai đoạn mới đầy biến động và thay đổi, dưới tư cách hai nhân tố quan trọng trên thế giới, Trung Quốc và châu Âu nên tôn trọng quan điểm của đối tác, tôn trọng đối thoại và hợp tác" - ông Tập nói.
Vài phút trước cuộc gặp, Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay nhau trong sân Điện Elysee.
Reuters cho hay 27 thành viên EU - đặc biệt là Pháp và Đức - không thống nhất về cách tiếp cận đối với Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết trong khi Paris ủng hộ đường lối cứng rắn hơn trong cuộc điều tra xe điện thì Berlin lại muốn tiến hành một cách thận trọng hơn.
Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz không tham gia cùng Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Paris do những cam kết trước đó.
Pháp hy vọng chuyến công du của ông Tập sẽ thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho xuất khẩu nông sản và giải quyết các vấn đề xung quanh mối lo ngại của ngành mỹ phẩm Pháp về quyền sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể công bố đơn đặt hàng khoảng 50 máy bay Airbus trong chuyến thăm của ông Tập.
Pháp cũng nhân thời điểm này thúc ép Trung Quốc gây áp lực lên Nga để ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.