'Trường quay' Tiktok đặc biệt trong viện dưỡng lão Trung Quốc

18/04/2024 12:30

Nền tảng Tiktok ở Trung Quốc đang thịnh hành những thước phim ngắn về một "lớp học" đặc biệt với sự tham gia của các cụ ông, cụ bà trong viện dưỡng lão.

Yu Youfang, 90 tuổi, giáo viên hóa học trung học cơ sở đã nghỉ hưu hơn nhiều thập kỷ, nay lại tiếp tục sự nghiệp của mình với “lớp học” được mở trong căng tin của một viện dưỡng lão ở Trung Quốc.

Với độ tuổi trung bình là 75, những "học trò" tinh nghịch của bà Yu đang dò dẫm thực hiện các cuộc thí nghiệm hóa học, gây ra phản ứng nổ, giải phóng khí độc. Mỗi khi kết thúc lớp học, lại có thêm một học sinh được khiêng cáng đến bệnh viện hoặc báo tin “đã lên thiên đường”.

Thật ra, mớ hỗn độn này đều đã được lên kịch bản từ trước.

Bà Yu cùng các “học sinh” là diễn viên của loạt phim ngắn có tựa đề "Phim hài tại viện dưỡng lão" đang gây "sốt" trên nền tảng Douyin, phiên bản TikTok ở Trung Quốc.

Với hơn 200 video, loạt phim này giới thiệu cuộc sống của những người cao tuổi tại viện dưỡng lão Jingya ở thành phố Thiên Tân (miền Bắc Trung Quốc), thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội nước này.

'Trường quay' Tiktok đặc biệt trong viện dưỡng lão Trung Quốc- Ảnh 1.

Những người già ở viện dưỡng lão Jingya, Thiên Tân, đang quay các bộ phim ngắn. Ảnh: Theo Ding Rui/ Sixth Tone.

"Trường quay" đặc biệt

Chia sẻ với Sixth Tone , ông Chen Yuan (53 tuổi), Giám đốc viện dưỡng lão Jingya, cho biết loạt video ban đầu chỉ đơn thuần là một hoạt động vui vẻ, mang tính tự nguyện dành cho người già. Đây cũng là một cách để quảng bá viện dưỡng lão trong khi xã hội mang nhiều định kiến về các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi như vậy.

Ông nói: “Việc gửi người già vào viện dưỡng lão từng bị coi là thiếu tôn trọng. Nhưng tôi muốn thay đổi nhận thức này. Viện dưỡng lão không đáng sợ như mọi người nghĩ. Ngày nay, người già có thể sống đủ đầy và hạnh phúc trong các viện dưỡng lão”.

Trên Douyin, Jingya chỉ là một trong hơn 1.000 tài khoản tương tự kể về cuộc sống ở các viện dưỡng lão. Mỗi tài khoản đều mong muốn định hình lại nhận thức về chăm sóc người cao tuổi khi Trung Quốc đang vật lộn với việc già hóa dân số nhanh chóng.

Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 9,4% năm 2012 lên 14,9% vào năm 2022. Sự gia tăng này khiến chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển "nền kinh tế tóc bạc", nhằm tăng cường nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ cho người già.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, trong bối cảnh sự thay đổi nhân khẩu học đó, số lượng viện dưỡng lão ở trong nước đã tăng đáng kể, từ con số 30.000 năm 2018 lên 41.000 cơ sở vào năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 3% người cao tuổi chọn cư trú tại những cơ sở như vậy, một phần do sự kỳ thị ăn sâu trong tư tưởng của xã hội.

Được thành lập vào năm 2013 trong một khu dân cư yên tĩnh ở Thiên Tân, Jingya cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người cao tuổi có độ tuổi trung bình khoảng 75 tuổi. Từ đó đến nay, hàng chục người già ở đây đã xem cơ sở dưỡng lão này là nhà của họ.

Giám đốc Chen, người trước đây từng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh ô tô cho biết, với mức phí hàng tháng dao động từ 3.290 - 6.000 nhân dân tệ (khoảng 11 triệu đến hơn 21 triệu đồng), cơ sở hoạt động với sứ mệnh vượt ra ngoài lợi nhuận thu được.

Chen ra mắt tài khoản video ngắn trên Douyin vào tháng 4/2023, ngay sau khi cháu trai của ông, Chen Zhuo (29 tuổi) theo học chuyên ngành Chỉ đạo phát thanh và truyền hình, gia nhập đội ngũ quản lý. Cùng với đạo diễn Feng Yan, hai người đã khám phá nhiều nội dung đa dạng để sáng tạo nên các kịch bản thú vị cho viện dưỡng lão Jingya.

"Việc quay những video này không phải là nhiệm vụ mà chúng tôi buộc phải hoàn thành, hay chỉ làm cho có. Đó là một trong những dịch vụ mà viện dưỡng lão cung cấp để giúp người già giải trí", đạo diễn Feng nói.

'Trường quay' Tiktok đặc biệt trong viện dưỡng lão Trung Quốc- Ảnh 2.

Feng Yan (giữa) giúp cư dân Jingya mặc đồng phục trước khi quay phim. (Ảnh: Theo Ding Rui/Sixth Tone)

Pha trộn sự hài hước với các chủ đề nghiêm túc hơn như sự sống và cái chết, những video từ viện Jingya đặc biệt gây được tiếng vang với khán giả trẻ Trung Quốc, truyền cảm hứng cho họ với cách nhìn nhẹ nhàng về cái chết.

Một bình luận nhận được nhiều sự đồng tình trên Douyin nhấn mạnh tác động này: "Trong văn hóa Trung Quốc, việc thảo luận về cái chết thường là điều cấm kỵ đối với người già. Tuy nhiên, các bậc tiền bối ở viện dưỡng lão Jingya xử lý chủ đề này một cách hài hước và sáng tạo. Họ thực sự đóng vai trò là hình mẫu cho mọi người".

Sợ bị lãng quên

Cứ một hoặc hai ngày, Jingya lại phát hành nội dung mới trên Douyin, mỗi nội dung thường thu hút hơn 5.000 lượt thích. Theo đạo diễn Feng, nguồn cảm hứng của họ thường đến từ các chủ đề hài hước đang nổi trên mạng xã hội cũng như những thông điệp khích lệ tinh thần trong sách. Việc sản xuất những đoạn trích này bao gồm một quy trình nhanh chóng nhưng cẩn thận và tỉ mỉ.

Họ thường mất khoảng một giờ để hoàn thành một video dài chưa đầy một phút, từ quay phim đến chỉnh sửa. Bên cạnh đó, do các "diễn viên" lớn tuổi khó khăn trong việc ghi nhớ kịch bản và lời thoại nên mỗi video sẽ được quay từng câu một.

Mặc dù rất nhiệt tình và tỉ mỉ trong việc quay phim, nhưng trên thực tế những người tham gia lớn tuổi đều không sở hữu điện thoại thông minh và phần lớn không thường xem các video ngắn trên mạng xã hội Douyin hay nền tảng nào khác.

"Khi bắt đầu, chúng tôi còn không hiểu rõ khái niệm quay một đoạn video ngắn. Chúng tôi chỉ làm cho vui thôi", ông Wang Mingxun (80 tuổi) chia sẻ.

'Trường quay' Tiktok đặc biệt trong viện dưỡng lão Trung Quốc- Ảnh 3.

Wang MingXun (phải) thưởng thức bữa ăn tại Viện dưỡng lão Jingya.  (Ảnh: Sixth Tone)

"Ít nhất thế giới bên ngoài có thể thấy viện dưỡng lão thực sự như thế nào", Giám đốc Chen Yuan, nói và cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều viện dưỡng lão được truyền cảm hứng để quay phim và chia sẻ thực tế về cơ sở vật chất cũng như cư dân của họ.

Bất chấp lượng xem tăng đột biến trên nền tảng mạng xã hội, ông Chen vẫn phản đối việc kiếm tiền từ nền tảng này thông qua việc quảng cáo hoặc bán hàng qua kênh phát trực tiếp, điều mà những người có sức ảnh hưởng trên Douyin thường làm.

"Chúng tôi không biết cách điều hành một doanh nghiệp như vậy và cũng không muốn kiếm tiền bằng cách bóc lột người cao tuổi", ông Chen giải thích, đồng thời nhấn mạnh cam kết chỉ làm video tập trung vào cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi.

Ngoài ra, Chen Yuan cũng cho rằng: "Điều hành một viện dưỡng lão không hề dễ dàng. Bạn phải giải quyết mọi vấn đề nhỏ nhặt và đối mặt với tình huống sinh tử". Ông Chen đã chứng kiến sự ra đi của hơn 10 thành viên tại Jingya trong nhiều năm qua.

Feng chia sẻ thêm, người già không sợ chết nhưng họ sợ bị lãng quên và bỏ rơi và những đoạn video ngắn mà họ quay trong thời gian ở đây giúp họ lưu giữ lại từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

Bạn đang đọc bài viết "'Trường quay' Tiktok đặc biệt trong viện dưỡng lão Trung Quốc" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]