Trên thị trường quốc tế, USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng USD với rổ tiền tệ lớn - có xu hướng mạnh lên trong 2 tuần qua. Hiện chỉ số này neo quanh 105,89 điểm, giảm 0,02% so với phiên liền trước đó và tăng 4,49% kể từ đầu năm.
Mở phiên chiều nay (28/6), các đầu mối quy đổi ngoại tệ trên thị trường tự do niêm yết giá USD tại 25.940-26.020 đồng/USD, tăng 60 đồng mỗi chiều so với hôm qua. Giá USD trên thị trường này đã ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp. Tổng mức tăng là 130 đồng ở cả chiều mua và bán, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, tỷ giá trong ngân hàng tương đối ổn định. Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.260 đồng, giảm 6 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng được phép mua bán USD trong vùng giá từ 23.044-25.473 đồng.
Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.223-25.473 đồng, giảm 6 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.257-25.473 đồng.
Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan (SSV), cho biết tỷ giá tự do vượt 26.000 đồng/USD, tương ứng mức tăng chưa đến 5% so với đầu năm. Sự mất giá của VND hiện vẫn ở mức chấp nhận được so với các đồng tiền khác khi so với USD.
Tỷ giá tự do thời gian gần đây chịu áp lực tăng bởi nhiều nguyên nhân như nhu cầu mua vào USD tăng cao, nhập khẩu tăng mạnh. Tình hình giá vàng trong nước không phần nào tác động vào tỷ giá, tuy nhiên với chỉ số tích cực từ xuất khẩu cũng như sự phát triển của dòng vốn FDI sẽ phần nào làm hạ nhiệt tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang duy trì nền lãi suất cao nhất 20 năm trong suốt thời gian dài, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu về mức 3-4,5%/năm từ tháng 6/2023 đến nay. "Sự chênh lệch lãi suất giữa 2 thị trường khiến tiền đồng mất giá", chuyên gia nhấn mạnh.
Trong cuộc họp gần đây nhất của Fed, đơn vị này lên lộ trình sẽ cắt giảm lãi suất 1 lần trong năm nay và sẽ cắt giảm sâu hơn (4 lần) trong năm 2025. Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ giảm tối thiểu là 1,25% vào năm 2025, áp lực tỷ giá theo đó cũng hạ nhiệt theo đà giảm của lãi suất.
Chia sẻ thêm về sự mất giá của VND từ đầu năm đến nay, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định việc lãi suất USD neo ở mức cao trên 5% gây áp lực mất giá lên hầu hết đồng tiền chính trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có đồng Việt Nam.
Nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, mức giảm giá từ đầu năm đến nay của tiền đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình.
Báo cáo tiền tệ mới đây của UOB Việt Nam cũng đưa ra dự báo tiền đồng và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa cuối năm nay, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm trong khi lãi suất VND hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.
Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. NHNN đã can thiệp vào thị trường ngoại hối thời gian gần đây và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.
Đại diện UOB Việt Nam kỳ vọng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc. Ngân hàng này dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt 25.600 đồng/USD khi kết thúc quý II, đạt 25.100 đồng trong quý III, và hạ nhiệt về 24.800 đồng trong quý IV, quý I/2025 về mốc 24.600 đồng/USD.