Vinaconex khẳng định không rút vốn khỏi Dự án Cát Bà Amatina

24/04/2024 20:30

Theo lãnh đạo Vinaconex, hiện công ty vẫn tiếp tục bơm vốn cho chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina là Vinaconex ITC và đã lên kế hoạch bán hàng trong năm 2024.

Sáng 24/4, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, cùng nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ trên 7.100 tỷ đồng

Năm 2024, Ban điều hành Vinaconex xác định sẽ mở đầu cho giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo sau khi chuyển đổi sở hữu. Trên cơ sở đánh giá cẩn trọng và tổng thể các yếu tố, Vinaconex đặt mục tiêu 15.000 tỷ đồng doanh thu và đem về 1.500 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ là 10.500 tỷ và lãi sau thuế 860 tỷ đồng, tăng 20% và 291% so với cùng kỳ.

Chia sẻ về kết quả đạt được trong quý đầu năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Đông cho biết, ước tính lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 26% chỉ tiêu đề ra.

Khi được cổ đông hỏi về việc không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2023 thì năm 2024 có thể hoàn thành không, Tổng Giám đốc Vinaconex khẳng định chắc chắn sẽ đạt được. Phía công ty tự tin sẽ hoàn thành trên 90% kế hoạch đề ra do một số khoản phải hạch toán như các công trình cao tốc giai đoạn 1 đã thanh toán hết lỗ trong năm 2023. Đồng thời những việc xảy ra ở giai đoạn 1 sẽ là kinh nghiệm để không xảy ra ở giai đoạn 2.

“Những chỉ tiêu tăng trưởng đầy thách thức này là lời cam kết, cụ thể hoá quyết tâm của Vinaconex trong việc duy trì, khẳng định vị thế trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông và đóng góp nhiều giá trị cho đất nước và cộng đồng xã hội” Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vinaconex khẳng định không rút vốn khỏi Dự án Cát Bà Amatina

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Vinaconex.

Nội dung quan trọng khác là phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để sử dụng thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 và năm 2025. 

Theo đó, Vinaconex dự kiến chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành. Đáng chú ý, công ty chào bán với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50% thị giá cổ phiếu VCG ở thời điểm hiện tại (21.250 đồng/cổ phiếu tại phiên ngày 24/4). Số tiền huy động từ đợt chào bán dự kiến là 1.197 tỷ đồng.

Tỉ lệ thực hiện quyền là 5:1, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 - 2025 sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, Vinaconex sẽ trả cổ tức cho cổ đông theo tỉ lệ 12%, tương ứng phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 sau khi được UBCKNN chấp thuận. Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối của Vinaconex là hơn 136,5 tỷ đồng.

Nếu hoàn thành hai phương án trên, Vinaconex sẽ phát hành hơn 183,5 triệu cổ phiếu mới, qua đó vốn điều lệ tăng từ gần 5.345 tỷ đồng lên gần 7.183 tỷ đồng. 

Tiến độ thi công các dự án

Tại phiên thảo luận, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về tiến độ thi công các dự án công ty đầu tư như Dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina, Dự án chung cư Green Diamond số 93 Láng Hạ, Dự án Thuỷ điện Đăkba, Dự án như Khu đô thị Thiên Ân Quảng Nam.

Về Dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina, Chủ tịch Đào Ngọc Thanh cho biết Vinaconex ITC đã hoàn thành việc thi công các hạng mục kỹ thuật quan trọng như san nền, hệ thống đường giao thông và cầu, hệ thống cấp thoát nước.

Theo Tổng Giám đốc Vinaconex, Cát Bà Amatina là dự án lớn nhưng là phân khúc nghỉ dưỡng, không phải nhu cầu cấp thiết như Hà Nội nên thị trường khá yếu. Vinaconex đã thống nhất HĐQT Vinaconex ITC sang năm 2024 lên kế hoạch bán hàng nhưng sẽ tùy theo thị trường, trong đó chuyển sang bán buôn hoặc một phần dự án nhưng điều kiện giá phải đảm bảo, nếu không có lãi thì không nên làm.

Về nguồn vốn, Vinaconex hiện vẫn tiếp tục bơm vốn cho chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina là Vinaconex ITC. Hiện Vinaconex đang tìm kiếm đối tác để bán hàng, cố gắng ghi nhận một phần doanh thu trong năm nay.

Trả lời cổ đông về việc Vinaconnex ITC trả lại 2.200 tỷ đồng cho Vinaconex, ông Nguyễn Xuân Đông cho biết trước đó hợp tác để xây dựng 2 tòa khách sạn nhưng do thị trường yếu nên công ty có phát hành trái phiếu để xây, tuy nhiên bán không được thì không thể xây. Do đó, Vinaconex tạm rút về nếu thị trường tốt thì mới làm và khẳng định Vinaconex không rút vốn tại Dự án Cát Bà Amatina.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vinaconex khẳng định không rút vốn khỏi Dự án Cát Bà Amatina (Hình 2).

Với Dự án chung cư Green Diamond số 93 Láng Hạ, Chủ tịch Vinaconex cho biết đã được nghiệm thu vào ngày 26/5/2023, bàn giao cho khách hàng từ ngày 29/5/2023. Công tác bán hàng được triển khai, trước mắt công ty đang làm hồ sơ sổ đỏ cho 80 căn hộ. Dự án này cũng giúp CTCP Bất động sản Vinaconex lãi 447 tỷ đồng trong năm 2023, dự kiến năm 2024 lãi trước thuế 275 tỷ đồng.

Về Dự án sân bay Long Thành, Vinaconex triển khai hai gói thầu ở dự án này. Giá trị hợp đồng của Vinaconex so với hợp đồng thi công cả dự án khoảng 11%, còn nếu bỏ phần tiền thiết bị ước khoảng 22%. Tháng 8 năm nay có thể xong toàn bộ phần bê tông. Tổng công ty cơ bản kiểm soát tốt nên không ảnh hưởng quá nhiều bởi phần vật liệu tăng.

Chủ tịch Đào Ngọc Thanh đánh giá, nhìn chung các dự án đầu tư công lớn đều rất khó khăn, quan điểm của Vinaconex là cố gắng đừng lỗ và cố gắng có lãi. Câu chuyện đầu tư công hết sức khó khăn, đặc biệt dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, trên thị trường đều khẳng định nhà thầu sẽ lỗ, đã có rất nhiều nhà thầu bỏ cuộc.

Bạn đang đọc bài viết "Vinaconex khẳng định không rút vốn khỏi Dự án Cát Bà Amatina" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]