Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi

29/04/2024 12:30

Tuổi thanh xuân của bà Nghĩa trải dài theo những cánh rừng,con suối. Hết xông pha đánh đồn, lại luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm để xây dựng phong trào cách mạng trên chiến trường Lộc Ninh xưa.

Bảo vệ mật thư như bảo vệ trái tim

Ở tuổi thất thập, tóc đã bạc màu, nhưng ký ức về thời làm giao liên vẫn nguyên vẹn qua lời kể vẫn thiết tha, hào hùng của bà Đỗ Thị Nghĩa - hay còn gọi là Tư Nghĩa (SN 1948, ngụ ấp 5B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Sinh ra trong gia đình cách mạng, năm 1962, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cô thiếu nữ Tư Nghĩa khi ấy vừa tròn 14 tuổi, đã hăng hái xin thoát ly gia đình để  vào vùng kháng chiến.

Với vóc người nhỏ bé, nhưng hoạt bát, thông minh, bà Tư Nghĩa được tổ chức phân công đưa, đón cán bộ hoạt động bí mật, thu nhận tài liệu và cả vận chuyển lương thực, vũ khí.

Dân sinh - Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi
Dân sinh - Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi (Hình 2).

Ban chấp hành Trung Ương Đảng tặng huy hiệu 55 năm tuổi đảng cho bà Đỗ Thị Nghĩa.

"Có hôm đến điểm này, gặp người kia, giao cho tôi trái thơm hoặc nhận về trái bí đỏ. Biết bên trong trái đó đều có mật thư nên tôi càng cẩn trọng bảo vệ như trái tim và mạng sống của  mình. Có những ngày chỉ mình tôi với cây súng Cabin, đi hàng mấy chục km, dọc theo tuyến Quốc lộ 13 để tuần tra, bảo đảm thông tin liên lạc từ căn cứ chiến khu”, bà Tư Nghĩa tự hào nhớ lại.

Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân Ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Địch tăng cường càn quét vào sâu trong vùng căn cứ, dùng cả máy bay B52 để ném bom xuống khu vực chúng chuẩn bị đi càn quét, bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên vào các khu rừng dọc biên giới, kể cả vùng rừng cao su. Cường độ chiến sự ở Lộc Ninh lại được địch đẩy lên cao, rất ác liệt. Trên trục lộ 13 và 14 rải đầy các cụm cứ điểm và đóng quân dã ngoại của địch. Trung bình vài km lại có một cụm đóng quân.

Trong lúc địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh, thì đây cũng là lúc Bộ Chỉ huy miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho chiến dịch “Nguyễn Huệ”. Tháng 3/1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã về Tà Thiết (Lộc Thành) để chỉ đạo tác chiến. Thời điểm đó, ngoài nhiệm vụ giao liên, bà Tư Nghĩa cũng được điều động trực tiếp tham gia những trận đánh đồn bốt, dẹp đường, diệt ác ôn.

Trong trận chiến không cân sức, đã có rất nhiều lần bà Tư Nghĩa gặp tình thế ngàn cân treo sợi tóc: Đó là thời điểm một mình bà phả vừa bò, vừa trườn gỡ hết 8 trái mìn trên đường về căn cứ đóng quân. Có một lần bị tập kích, có 2 đồng chí cảnh giới hy sinh tại chỗ, bà cùng các đồng đội khác chạy kịp vào rừng, cả mấy tháng trời chỉ có mỗi người một bộ quần áo.

Dân sinh - Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi (Hình 3).

Bà Đỗ Thị Ngĩa đi thăm nhà giao tế, nhớ về các đồng đội năm xưa.

Lần khác, nữ giao liên Tư Nghĩa vừa đi tải đạn từ sông Măng về, tuy rất mệt nhưng vẫn từ chối nghỉ ngơi để tham gia đánh trận Quốc lộ 13. Không may, trong trận đánh này quân ta bị thương quá nhiều. Giữa dòng bom đạn dội sáng trời, bà Tư Nghĩa vẫn cùng đồng đội cáng những thương binh ra ngoài vòng vây, đưa về căn cứ chữa trị.

Bà Tư Nghĩa kể: “Căn cứ lúc này cũng cứ di dời liên tục, giặc đánh bên này thì quân ta dời qua bên kia, ác liệt lắm. Anh em chúng tôi đều xác định “một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực” để mà sẵn sàng chiến đấu, không nao núng gì hết. Xe tăng nó nằm kia nhưng ở đây mình vẫn tính toàn đường đi bí mật bám sát nó, tức là mình thấy nó chứ không cho nó thấy mình”.

Hoa lại nở trên quê hương

Trước sự kiên cường của các chiến sỹ và sức phản công như vũ bão của quân ta đội ta, ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa của Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lúc này, bà Tư Nghĩa được đặc phái tham gia phong trào xây dựng, phát triển cơ sở. Bà đã phát huy hiệu quả phong trào 3 cùng ( cùng ăn, cùng ở, cùng làm), nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. “Ban ngày đi gặt lúa cho dân, xâm nhập vô 7 đồn điền cao su trên địa bàn để tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng cho người dân và công nhân hiểu rõ. Tôi cũng đi tìm người tốt, có lý tưởng cách mạng để xây dựng cơ sở trong lòng dân”, bà nhớ lại.

Từ công tác dân vận của bà Tư Nghĩa mà các già làng, trưởng bản đã cùng bộ đội tham gia xây dựng, phát triển lực lượng dân quân du kích trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, tạo nguồn lực phục vụ và tiến hành kháng chiến trường kỳ.

Dân sinh - Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi (Hình 4).

Bà Đỗ Thị Nghĩa vẫn tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương.

Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất một nhà. Trên mảnh đất Lộc Ninh, bà Đỗ Thị Nghĩa vẫn tiếp tục bám trụ nêu cao tinh thần gương mẫu, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng các phong trào ở địa phương. Bà đã từng đảm trách nhiều vai trò, vị trí như: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ đầu tiên của huyện Lộc Ninh, lãnh đạo phụ trách Công đoàn, Chủ tịch MTTQVN huyện Lộc Ninh, Chủ tịch HĐND huyện Lộc Ninh. Ở tuổi hưu trí hôm nay, khi được bà con nhân dân tín nhiệm, một lần nữa bà lại cống hiến hết mình cho Hội Cựu chiến binh của xã Lộc Tấn và Bí thư Chi bộ của ấp 5B.

“Tôi tự hào vì đã cống hiến trọn vẹn cả tuổi thanh xuân cho vùng đất Lộc Ninh hôm nay được “nở hoa” tươi thắm và được nhà nước công nhận xã An toàn khu và vùng An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bà con tin tưởng, tín nhiệm thì tôi còn cống hiến cho phong trào, cho xã hội đến hết cuộc đời này”, bà tự hào chia sẻ.

Với những chiến công vẻ vang trong thời kháng chiến và những đóng góp tích cực trong thời bình, cá nhân và gia đình bà Đỗ Thị Nghĩa vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Trong đó, có Huân chương Lao động hạng Nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huy hiệu 55 tuổi Đảng; gia đình văn hóa cấp tỉnh...

Những ngày tháng 4 lịch sử hàng năm, các cấp lãnh đạo, các hội viên phụ nữ, các bạn ngành đoàn thể, các con, các cháu vẫn thường đến nhà bà Đỗ Thị Nghĩa để thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần và nhân lên truyền thống hào hùng của dân tộc.

Bà Tô Thị Thêu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lộc Ninh cho hay: “Sự cống hiến, đức hy sinh của bà Nguyễn Thị Nghĩa làm rạng ngời thêm 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Bác Hồ đã trao tặng. Bà chính là điển hình, người thật, việc thật để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ sau noi theo nhằm xây dựng lý tưởng tốt đẹp, ra sức cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”.

Bà Tô Thị Thêu cũng bày tỏ sự khâm phục và trân trọng tri ân trước những hy sinh, cống hiến lớn lao của các mẹ, các cô, các dì là chiến sĩ Cách mạng. Đây là những điển hình để giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ sau noi theo nhằm xây dựng lý tưởng tốt đẹp, ra sức cống hiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Thêu cũng mong rằng, các cô trong Hội Nữ kháng chiến, cán bộ cách mạng lão thành tiếp tục tham gia, giúp đỡ phong trào của các cấp ngày càng có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực…

Bạn đang đọc bài viết "Vượt bom đạn của quá khứ để ngày mới hoa nở thêm tươi" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]