Xóa nốt ruồi trên mặt, có phải làm lại căn cước công dân?

16/05/2024 10:04

Trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng, không ít người đã tẩy nốt ruồi, xóa sẹo… trên mặt. Vậy những trường hợp này có bắt buộc phải làm lại CCCD?

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 23 của Luật Căn cước công dân 2014 quy định rõ khi có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng thì phải làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

Còn theo Điểm c Khoản 1 Điều 24 của Luật Căn cước mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 cũng có quy định trường hợp "Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật" thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước.

Do đó, khi thay đổi đặc điểm nhân dạng, tẩy xóa nốt ruồi thì người dân phải làm thủ tục cấp đổi CCCD hoặc thẻ Căn cước sắp được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, với thẻ Căn cước mới sắp được sử dụng từ ngày 1/7, thông tin nhân dạng sẽ không in trên thẻ như CMND hay CCCD mà sẽ được mã hóa, lưu trong chip điện tử của thẻ Căn cước.

Những trường hợp bắt buộc phải đi đổi thẻ Căn cước từ 1/7/2024

Các trường hợp bắt buộc đổi thẻ Căn cước từ 1/7/2024 được quy định tại Điều 29 Luật Căn cước 2023 số 26/2023/QH15.

-Công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi

Trước đây, Luật Căn cước công dân 2014 số 59/2014/QH13 chỉ quy định công dân ở các độ tuổi: 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi mới cần phải đi làm Căn cước công dân (CCCD).

Tuy nhiên, bắt đầu từ 1/7/2024, công dân khi đủ 14 tuổi đã được cấp thẻ Căn cước trước đó cũng bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước. Riêng với người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc làm mà chỉ cấp thẻ Căn cước khi có nhu cầu.

-Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh

Những thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh là những thông tin quan trọng của một công dân. Do đó, khi có sự thay đổi thì việc cập nhật những thông tin trên vào Căn cước là bắt buộc nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cá nhân, tránh những nhầm lẫn và tranh chấp khi thực hiện các giao dịch.

-Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật

So với Luật Căn cước công dân 2014 thì trong Điều 24 Luật Căn cước mới 2023, công dân khi chuyển đổi giới tính cũng sẽ cần phải đi đổi lại thẻ Căn cước từ 1/7/2024. Đồng thời, nhân dạng, khuôn mặt, vân tay là một trong các đặc điểm riêng biệt để xác định các cá nhân khác nhau. Do đó, khi thay đổi nhân dạng, khuôn mặt, vân tay hay chuyển đổi giới tính, việc cập nhật những dữ liệu trên là vô cùng quan trọng nhằm dễ dàng cho các cơ quan chức năng xác nhận thông tin khi cần thiết.

-Có sai sót về thông tin in trên thẻ Căn cước

Hiện nay, thẻ Căn cước gồm thông tin nêu tại Điều 18 Luật Căn cước sau đây:

Ảnh khuôn mặt;

Số định danh cá nhân;

Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

Ngày, tháng, năm sinh;

Giới tính;

Nơi đăng ký khai sinh;

Quốc tịch;

Nơi cư trú;

Đây cũng là các thông tin quan trọng để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Do đó, khi phát hiện bị sai thông tin trên trên thẻ Căn cước, người dân cần phải đến Cơ quan Công an để đổi ngay thẻ mới.

-Xác lập lại số định danh cá nhân

Theo Khoản 3 Điều 12 Luật Căn cước, số định danh cá nhân được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ Công an đã quy định việc công dân được hủy và xác lập lại số định danh cá nhân khi:

Xác định lại giới tính/cải chính năm sinh.

Sai sót về thông tin cá nhân như: năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh.

Do đó, khi xác lập lại số định danh cá nhân, công dân cần phải đi cấp lại thẻ Căn cước để tương ứng với số định danh cá nhân mới.

Hiện nay, số định danh cá nhân là một dãy 12 số gồm:

06 số đầu: mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh.

06 số còn lại là ngẫu nhiên (Căn cứ Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP).

Có thể thấy trường hợp bị sai những thông tin về năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh cũng sẽ ảnh hưởng đến 06 số đầu trên số định danh cá nhân.

Minh Hoa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Xóa nốt ruồi trên mặt, có phải làm lại căn cước công dân?" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]