Giải bài toán 1,35 triệu thanh niên không đi học, không đi làm như thế nào?

11/04/2025 10:29

() - Trước báo cáo về việc 1,35 triệu thanh niên không đi học cũng không đi làm, chuyên gia lao động cho rằng cần thu thập, phân tích và làm rõ số liệu để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Cần thu thập và phân tích dữ liệu rõ ràng hơn

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, số liệu 1,35 triệu thanh niên không đi học cũng không đi làm cần được thu thập và phân tích rõ hơn.

Giải bài toán 1,35 triệu thanh niên không đi học, không đi làm như thế nào? - 1

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Việt Nam có 1,35 triệu thanh niên (độ tuổi 15-24) không đi làm và cũng không đi học, tham gia đào tạo (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).

"Vấn đề cần làm rõ là nhóm thanh niên này hoàn toàn không đi học và không đi làm suốt quá trình từ 6 tuổi đến nay, hay tại thời điểm khảo sát không đi học, không đi làm. Bên cạnh đó, cần phân tích cơ cấu nhóm này đã học văn hóa hoặc học nghề theo các hệ đào tạo hay chưa.

Có rất nhiều tiêu chí cần được thu thập và đánh giá chi tiết hơn. Việc công bố chung như hiện nay không đủ dữ liệu để phân tích về cơ cấu, thực trạng của nguồn nhân lực này một cách cụ thể", ông Tuấn nhận định.

Ngoài ra, vị chuyên gia góp ý các cơ quan chức năng, ban ngành cần rà soát lại các số liệu đã công bố về phổ cập văn hóa trung học cơ sở, trung học phổ thông và tỷ lệ lao động qua đào tạo từng tỉnh, thành phố để có cơ sở nhận định một cách chuẩn mực.

Về vấn đề thu thập dữ liệu lao động, tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi) hôm 8/4, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Nội vụ TPHCM), nhắc đến việc cung cấp thông tin lao động hiện chỉ bắt buộc ở khu vực chính thức, có giao kết hợp đồng.

Còn lao động khu vực phi chính thức thì chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, tức là họ có thể đăng ký hoặc không. Điều này dẫn đến việc thu thập thông tin dữ liệu lao động rất khó đầy đủ và chính xác.

Giải bài toán 1,35 triệu thanh niên không đi học, không đi làm như thế nào? - 2

Việc thu thập dữ liệu lao động vẫn gặp khó khăn, chưa sát với thực tế (Ảnh minh họa: N.H.L.).

"Thời gian qua, khi cập nhật di biến động lao động, ngành chức năng phải thông qua chính quyền cơ sở, vừa mất thời gian mà cũng không đầy đủ và chính xác. Tôi cho rằng cần có quy định, cách thức để thu thập dữ liệu lao động đầy đủ, bắt buộc mọi người dân trong độ tuổi lao động phải khai báo thông tin.

Bên cạnh đó, phải có chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các ngành, các cấp để tránh lãng phí và thông tin được cập nhật kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ", bà Trúc nói.

Theo bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cần có chỉ đạo xuyên suốt về công tác chuyển đổi số, liên thông dữ liệu, khai thác dữ liệu dùng chung, quy định trong luật mang tính bắt buộc để các ngành, các đơn vị thực hiện.

"Cơ sở dữ liệu lao động dùng chung cho tất cả các địa phương rất quan trọng, cần có quy định thống nhất để các địa phương có cách thức phù hợp để cập nhật di biến động lao động", Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM chia sẻ.

Khuyến khích gia đình cho thanh niên học tập

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, đúc kết để giải "bài toán" 1,35 triệu thanh niên không đi học, cũng không đi làm, cần hoàn thiện quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, rồi mới bắt đầu bàn luận và đưa ra các giải pháp kịp thời. 

Chuyên gia nhấn mạnh khi đã có số liệu thống kê chính xác, các đơn vị bắt đầu làm rõ nguyên nhân, phân loại đối tượng, xác định giải pháp chung và giải pháp cho từng địa phương. Trong đó, chính sách của Nhà nước cần đặc biệt hướng đến nhóm thanh niên không đi học và không đi làm này. 

"Khi đã có dữ liệu, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, lao động - việc làm có thể tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo cấp Trung ương với sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu khoa học, các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, các trường trong hệ thống giáo dục đào tạo, các tổ chức việc làm, doanh nghiệp… rồi mới bàn luận và đưa ra giải pháp phù hợp.

Mọi sự luận bàn chung chung, thiếu tính khoa học và thực tiễn sẽ khó thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay", ông Tuấn nói.

Trước mắt, chuyên gia cho rằng các đơn vị phải khuyến khích người dân, các bậc cha mẹ dù hoàn cảnh khó khăn cũng nỗ lực, thông qua sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, để thế hệ trẻ hoàn thành trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông và đào tạo nghề.

Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách tích cực, hiệu quả, hỗ trợ thanh niên ở vùng đô thị có hoàn cảnh khó khăn, cũng như thanh niên vùng xa, miền núi, nông thôn hiểu và nhận thức được yêu cầu, nhu cầu của nguồn nhân lực, đối với phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, học văn hóa và học nghề.

Giải bài toán 1,35 triệu thanh niên không đi học, không đi làm như thế nào? - 3

Nguồn lực lao động thế hệ mới được kỳ vọng có văn hóa, trình độ chuyên môn cao, thành thạo công nghệ để phù hợp với sự phát triển của xã hội (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, ông Tuấn nhận định Việt Nam không còn lợi thế về nguồn nhân lực đông đảo với số lượng lớn thanh niên trẻ mang những tiêu chí truyền thống như thông minh, siêng năng, cần cù.

"Chúng ta đang lấy chuyển đổi số làm mục tiêu trọng tâm từ năm 2025 và các năm tiếp theo. Trí tuệ nhân tạo đang tác động mạnh đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là thị trường lao động, làm thay đổi cơ cấu ngành nghề và yêu cầu nguồn nhân lực phải thích ứng", ông Tuấn nói về định hướng sắp tới.

Theo chuyên gia, trong thời gian tới, những công việc giản đơn, thủ công, lặp đi lặp lại sẽ dần mất đi. Chỉ những lao động tham gia đào tạo, có tay nghề chất lượng, phù hợp với kỷ nguyên số mới có thể phát triển việc làm và thu nhập tốt. 

"Việc định hướng, thúc đẩy thanh niên học tập, tham gia đào tạo là việc vô cùng cấp thiết. Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030", điều này tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc học tập suốt đời trong việc phát triển nguồn lực quốc gia", ông Tuấn chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Giải bài toán 1,35 triệu thanh niên không đi học, không đi làm như thế nào?" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]