Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

28/04/2024 08:16

() - Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt khai đã đưa Công ty Việt Á vào tham gia liên danh với Công ty AIC và chỉ đạo cấp dưới tìm cách xây dựng hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho cả nhóm.

Trong vụ án Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở KH&ĐT TPHCM và Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Bộ Công an đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Công ty AIC) cùng 13 bị can với nhiều tội danh.

Trong đó bà Nhàn bị điều tra về 2 tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Cơ quan điều tra cáo buộc, bà Nhàn cùng đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm nâng giá để đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC, trong quá trình thực hiện 10 gói thầu thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm của Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM.

Các bị can đã thông đồng với Công ty Tư vấn Hồng Hà tư vấn lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho Công ty AIC hoặc công ty do AIC chỉ định.

Từ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) đã trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.

Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn? - 1

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Ảnh: AIC).

Theo kết luận điều tra, Chủ tịch Công ty Gene Việt Nguyễn Xuân Vũ khai nhận do công ty mới thành lập, muốn có năng lực kinh nghiệm để phát triển mảng công nghệ sinh học nên thông qua quan hệ quen biết với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Công ty AIC), đề nghị để Gene Việt được tham gia liên danh với AIC tại các gói thầu dự án 12 phòng thí nghiệm.

Đầu năm 2015, Phan Quốc Việt biết Công ty AIC đã đồng ý cho Công ty Gene Việt (có 10% vốn góp của Việt Á) liên danh thực hiện 3 gói thầu giai đoạn 1 dự án 12 phòng thí nghiệm, với điều kiện phải đảm bảo giữ nguyên lợi nhuận của Công ty AIC và Công ty Gene Việt chịu trách nhiệm toàn bộ các thủ tục đấu thầu.

Do Công ty Gene Việt mới thành lập, chưa đủ năng lực nên công ty này giao Việt Á đứng tên liên danh với Công ty AIC và thực hiện các thủ tục thay Công ty Gene Việt.

Theo phân công, Việt đã giao Phó Tổng giám đốc Việt Á nghiên cứu điều chỉnh lại danh mục thiết bị theo hướng đưa vào các thiết bị nhóm Công ty Gene Việt có thế mạnh; giao cấp dưới xây dựng Hồ sơ mời thầu tạo lợi thế cho liên danh AIC - Việt Á, tìm một đơn vị đứng tên trúng một gói thầu tránh khiếu kiện.

Đồng thời, Việt giao Phó Tổng giám đốc AIC lập hồ sơ dự thầu cho các công ty "quân xanh", để đảm bảo liên danh đủ điều kiện AIC - Việt Á trúng thầu, tránh hủy thầu.

Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn? - 2

Phan Quốc Việt (Ảnh: Nam Yến).

Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á đã liên hệ với các nhà thầu cung cấp mua thiết bị, rồi bán lại cho Công ty Gene Việt và Công ty Mopha theo đúng giá mua, để 2 đơn vị này bán cho Công ty AIC và Công ty Vimedimex trước khi bàn giao cho Trung tâm công nghệ sinh học. 

Theo kết luận điều tra, Công ty Việt Á không được hưởng lợi gì từ dự án trên. Phan Quốc Việt cũng không bị xử lý hình sự. Còn Công ty Gene Việt bị lỗ tại giai đoạn 1 của dự án

Đến giai đoạn 2 và 3, Công ty Gene Việt nhờ lãnh đạo Công ty Technimex cho mượn hồ sơ năng lực để dự thầu. Sau đó, Gene Việt và Technimex liên danh tham gia 2 gói thầu.

Trong đó, Technimex đứng đầu liên danh trên danh nghĩa nhưng thực tế Gene Việt là đơn vị cung cấp hàng hóa cho Trung tâm Công nghệ sinh học, đồng thời trực tiếp liên hệ, làm việc với các nhà cung cấp. Tại 2 gói thầu lần này, Công ty Gene Việt được hơn 3,2 tỷ đồng. 

Phan Quốc Việt trước đó bị Tòa án Quân sự Thủ đô phạt 25 năm tù và TAND TP Hà Nội phạt 29 năm tù trong vụ án kit test Covid-19.

Bạn đang đọc bài viết "Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?" tại chuyên mục ASEAN NEWS. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]