Ngày 5/5, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 và công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh.
Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại nghị quyết phát triển vùng, quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng giúp cụ thể hóa không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên ngành; đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng để tập trung phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng, các thành viên hội đồng điều phối vùng và đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các giải pháp ưu tiên, đề xuất các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách đặc thù; khơi thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển vùng; thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm cần giao cho các địa phương thực hiện quy hoạch vùng; thực hiện công tác phối hợp các địa phương trong vùng, liên vùng, giữa bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tại Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 về phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao quyết định Quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TPHCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TPHCM.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số công trình trọng điểm xây dựng còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ được xây dựng dựa trên quan điểm xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác.