Chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế. Phiên đối thoại nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) năm 2024 được diễn ra cùng ngày.
Sẽ có quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghiệp
Điều phối chương trình, TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng: "Chính phủ đã, đang và sẽ làm những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp cả lớn, cả nhỏ có thể chuyển đổi được?".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Phương, cho biết chính sách tổng thể đã có những cấp độ văn bản khác nhau đối với chuyển đổi nền kinh tế nói chung ở khái niệm rộng và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đổi mới, sáng tạo.
Hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua; đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến nay, trong số các chính sách đã ban hành, ông Phương cho biết Thủ tướng đã ban hành 2 quyết định quan trọng bao gồm Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip.
"Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Hiện chuyển đổi xanh cũng đã có những quy định cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… những điều này sẽ quyết định đến việc áp dụng cơ chế, chính sách hiện nay trong các quy định pháp luật để hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Những điều không còn phù hợp sẽ điều chỉnh và Bộ sẽ kiến nghị những chính sách mới.
Theo ông Phương, tới đây Bộ cũng sẽ trình chính sách mới được Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành về việc thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; cần có chiến lược cho AI
Tại phiên đối thoại, đại diện cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, đặt câu hỏi đến Thủ tướng. Theo đó, bà cho biết Bộ Chính trị đã thông qua nghị quyết Vai trò của kinh tế tư nhân, động lực của tăng trưởng phát triển kinh tế.
"Vậy Chính phủ có những chiến lược dài hạn như thế nào, để khuyến khích hợp tác công tư (PPP) để có thể tạo thành động lực tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhóm công nghiệp mũi nhọn" bà Thảo hỏi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Trước hết, một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là thể chế đang được chúng ta từng bước tháo gỡ, hoàn thiện, đặc biệt trong bối cảnh luật hợp tác công tư PPP ban hành hiện chưa phát huy được nhiều tác dụng.
Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều chính sách động viên, khuyến khích khác, sự trao đổi hợp tác giữa các thành phần kinh tế, giữa kinh tế tư nhân và Nhà nước. "Chúng ta cần sự chia sẻ, thấu hiểu, sự thông cảm, trên cơ sở đó có được tiếng nói chung khuyến khích phát triển thành phần kinh tế tư nhân", Thủ tướng nêu rõ.
Mới đây, Chính phủ đã dành thời gian gặp gỡ trao đổi với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo các ngân hàng ngoài khu vực Nhà nước để lắng nghe chia sẻ, để có giải pháp, thúc đẩy phát triển.
Cũng tại phiên đối thoại, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC - đưa ra đóng góp sáng kiến đến diễn đàn về chiến lược công nghệ AI. Việt Nam nếu áp dụng tốt AI dự kiến sẽ tạo ra GDP từ 150 đến 200 tỷ USD.
"Chúng ta đến lúc phải có một chiến lược chuyển đổi AI thay vì chỉ là chuyển đổi số, Chính phủ cũng như TPHCM nên cân nhắc chuẩn bị chiến lược này", lãnh đạo CMC đánh giá.
Trước khuyến nghị trên, Thủ tướng cho biết chiến lược AI, khoa học công nghệ hiện phát triển rất nhanh, Chính phủ sẽ có chiến lược bao trùm, tổng thể và chiến lược hơn. Không những phải có chiến lược cho AI mà còn chiến lược cho các lĩnh vực khác như điện toán đám mây , Internet phát triển vạn vật (IoT) - những xu hướng phát triển.
Tóm lại, Thủ tướng khẳng định có chiến lược để phát triển đúng hướng nhưng cũng cần có cơ chế chính sách để huy động nguồn lực, phát triển hạ tầng phù hợp với sự phát triển nhanh nhưng phải đi kèm bền vững, đáp ứng nhu cầu nhân lực một cách tổng thể.