Theo kênh truyền hình RT, ngày 10/5, chiếc máy bay chở khách dòng 737-800 của hãng hàng không United Airlines đã phải hạ cánh khẩn cấp khoảng 40 phút sau khi cất cánh. Chuyến bay mang mã hiệu UA166 khởi hành từ Fukuoka, Nhật Bản đến Guam đã báo cáo “sự cố với cánh máy bay”.
Trước đó một ngày, vào rạng sáng 9/5, một chiếc Boeing 737-38J của hãng hàng không Air Senegal đã trượt khỏi đường băng khi cất cánh từ Sân bay Quốc tế Blaise Diagne (AIBD) ở Dakar, Senegal. Có 73 hành khách và 6 nhân viên phi hành đoàn trên chuyến bay đến Bamako, Mali. 11 người bị thương do sự cố, trong đó 4 người bị thương nặng.
Chiều 8/5, một chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Corendon Airlines đã nổ lốp phía trước khi hạ cánh tại Sân bay Gazipasa-Alanya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới chức sân bay, tất cả 190 người trên máy bay đã được sơ tán an toàn nhưng trục bánh xe bị hư hỏng nặng.
Trước đó cùng ngày, một chiếc Boeing 767 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Istanbul. Nhà điều hành sân bay Istanbul cho biết trong một tuyên bố: “Chuyến bay FX6238, do FedEx khai thác, khởi hành từ sân bay Paris Charles de Gaulle phải hạ cánh mà không mở càng đáp phía trước do vấn đề kỹ thuật”.
Theo Giám đốc điều hành sân bay Istanbul Selahattin Bilgen, sân bay phải mất một ngày để di chuyển máy bay khỏi đường băng 16R một cách an toàn.
Hàng loạt sự cố xảy ra sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo mở cuộc điều tra về một trong những nhà máy của Boeing. Cơ quan này cho biết các nhân viên tại một cơ sở sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner ở Nam Carolina có thể đã bỏ qua các cuộc kiểm tra bắt buộc và giả mạo hồ sơ.
“Ông lớn” sản xuất máy bay Boeing đã trải qua cuộc khủng hoảng thua lỗ đáng kể trong năm 2019-2020, sau khi FAA đình chỉ tất cả các máy bay 737-MAX liên quan đến loạt vụ tai nạn chết người. Cơ quan này chỉ ra nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn là do hệ thống cảm biến kém và các vấn đề về phần mềm. Về phần mình, Boeing khẳng định các máy bay hoàn toàn đảm bảo được an toàn kể từ những sự cố đó.