Chia sẻ trên VietNamNet , ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI, cho biết giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng mạnh trong những ngày qua là điều bình thường.
Vàng đang có lợi thế rất lớn. Giá vàng trong nước hưởng lợi từ vàng thế giới tăng mạnh khi xung đột chiến tranh giữa Israel - Hezbollah chưa có chiều hướng dừng lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn vẫn đang đầu chu kỳ nới lỏng.
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng còn do tỷ giá USD/VND nóng lên trong thời gian gần đây. Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng 4,23%. Hơn 1 tháng qua, tỷ giá tăng 2,7% lên mức 25.442 đồng/USD (giá bán).
Theo ông Lưu Chí Kháng, tỷ giá ngân hàng tăng kéo theo giá vàng quy đổi tăng lên, hơn thế vàng thế giới lại tăng rất mạnh. Do vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng nhanh theo là điều không tránh khỏi.
Gần đây, vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới, phá đỉnh 2.685 USD/ounce, lại vượt ngưỡng 2.700 USD vào cuối tuần trước và bứt phá lên đỉnh cao lịch sử mới 2.740 USD/ounce trong phiên giao dịch 21/10.
Trong vòng chưa tới 2 tuần, từ khoảng 2.600 USD/ounce, giá vàng tăng lên 2714 USD. Mức tăng là 5,4% và giá quy đổi đã lên mức 84,9 triệu đồng/lượng. Cộng với tỷ giá, biến động có thể lên tới 8%.
Việc vàng miếng tăng lên 89 triệu đồng và vàng nhẫn tăng từ dưới 83 triệu đồng (giá bán) lên gần 88 triệu đồng (tăng 6%) được giới quan sát thị trường cho là không có gì đột biến.
Dù vậy, mức tăng tổng cộng từ đầu năm tới nay là rất lớn. Giá vàng thế giới tăng gần 32,8%, vàng miếng SJC tăng 20,3%, trong khi giá vàng nhẫn đã tăng 39,4%.
Ngân hàng Nhà nước nói gì?Giữa bối cảnh giá vàng liên tục biến động, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp thị trường và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp này chỉ mang tính tạm thời. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và trình các giải pháp căn cơ hơn lên Chính phủ, theo Tin tức.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.
Đối với việc thanh tra 2 tổ chức tín dụng và 4 đơn vị kinh doanh vàng, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc kiểm tra, thanh tra được tiến hành bởi đoàn thanh tra liên bộ. Tuy nhiên, kết quả thanh tra đang trong quá trình kết luận.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường.
Rủi ro lao dốc hiện hữu
Chia sẻ với VietNamNet , chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng rủi ro thị trường sụp đổ luôn luôn hiện hữu. Các nhà đầu tư nên thận trọng xuống tiền mua vàng vào thời điểm này. Theo ông Hiếu, việc xuống tiền mua vàng hiện rủi ro bởi giá vàng tăng nóng và có thể sập bất ngờ.
Tương tự, ông Lê Quang Trí, Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán Nhất Việt, cũng cảnh báo về rủi ro giá vàng điều chỉnh giảm sau một đợt tăng nóng kéo dài vài chục phần trăm vừa qua.
Trên thế giới, không ít dự báo cho rằng, vàng có thể điều chỉnh mạnh sau đợt tăng nóng vừa qua, thậm chí có thể về ngưỡng 2.500 USD/ounce. Nếu tính theo mức này, mức điều chỉnh có thể 8-10%.
Thực tế, mức điều chỉnh 10% không phải là hiếm trong một thị trường giá lên, đối với các loại hàng hóa như chứng khoán… Dù vậy, đó là mức dự báo xấu. Đợt tăng vừa rồi rất nóng, thị trường đang rất căng và áp lực chốt lời có thể gia tăng bất cứ lúc nào. Một đợt điều chỉnh giảm 50 hoặc 100 USD là hoàn toàn có thể xảy ra.
"Cả hai ứng cử viên Tổng thống đều đề xuất các chính sách lạm phát, điều này sẽ rất có lợi cho vàng. Mặc dù một số chính sách này đã được định giá, nhưng nó cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cao hơn", Michael Langford - Giám đốc đầu tư tại Scorpion Minerals - cho biết.
Một cuộc thăm dò mới của Reuters cho thấy, Phó Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump với tỷ lệ 46% so với 43%.
Về dài hạn, đa số các chuyên gia dự báo, vàng vẫn trong xu hướng đi lên. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng có thể tăng rất mạnh nếu ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ. Theo đó, nhiều bất ổn địa chính trị sẽ xảy ra.
Theo chuyên gia Lê Quang Trí, xung đột địa chính trị vẫn xảy ra khó lường trên thế giới. Các yếu tố này sẽ hỗ trợ mạnh mặt hàng kim loại quý.
Tại Trung Đông, Israel xác nhận đã giết chết Hashem Safieddine, người thừa kế của cố thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, người đã bị giết vào tháng trước. Vàng thỏi được coi là hàng rào phòng ngừa những bất ổn về kinh tế và địa chính trị, theo Tuổi trẻ.
Gần đây, một số dự báo cho rằng, giá vàng thế giới có thể lên 2.800 USD/ounce vào cuối năm nay và 3.000 USD/ounce trong năm 2025, tương đương mức tăng khoảng 9%.
Khánh Linh (t/h)