Vàng miếng bật tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết tại 82,1-84,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 300.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên. Trong cả phiên hôm qua, vàng miếng tăng tổng cộng 400.000 đồng mỗi chiều.
Vàng nhẫn được niêm yết tại 74,7-76,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên song vẫn ở vùng giá cao.
Tại Bảo Tín Mạnh Hải , phiên giao dịch hôm qua vàng miếng SJC chốt ở mức 82,1-84,15 triệu đồng/lượng (mua - bán); còn vàng nhẫn tại đây chốt ở mức 75,17-77,07 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải, giá vàng tăng cao liên tục trong thời gian qua là biểu hiện bất thường tuy nhiên nếu theo dõi sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và giá vàng thế giới thì thực chất giá vàng tăng cao đều có các nguyên nhân cụ thể và nằm trong dự đoán của nhiều chuyên gia.
Từ nay tới cuối năm, theo ông Đức Anh, có một số yếu tố quyết định giá vàng. Đó là giá vàng thế giới và các yếu tố tác động mạnh đến giá vàng thế giới như chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ, các cuộc khủng hoảng địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông. Thứ là cung cầu tại thị trường trong nước và các chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay giao dịch tại 2.386 USD/ounce, tăng 4 USD so với trước đó. Sau phiên tăng "sốc" chạm đỉnh lịch sử mới ở mốc 2.430 USD/ounce ngày 12/4, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm về dưới vùng 2.400 USD/ounce. Dù vậy, tính trong một tháng gần nhất, kim loại quý này đã tăng tới 19%.
Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá chưa bao gồm thuế, phí đang thấp hơn vàng nhẫn trong nước gần 5 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 12-13 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.
Caroline Bain - chuyên gia kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics - cho biết mức tăng không ổn định của vàng lên trên 2.400 USD/ounce vào tuần trước có thể đại diện cho mức cao nhất của kim quý này trong năm nay, khi thị trường điều chỉnh theo kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến. Chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ hạ nhiệt và quay đầu giảm vào cuối năm nay.
USD ngân hàng tiếp tục phá đỉnh
USD-Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - hiện đạt 106,34 điểm, tăng 4,8% từ đầu năm và hiện ở vùng giá cao nhất 6 tháng.
Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Fed có thêm thời gian trước khi quyết định hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng được cho là do chịu tác động từ thị trường vàng và tiền số.
Kết thúc phiên giao dịch cuối trước kỳ nghỉ một ngày, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm tại 24.231 đồng, tăng 90 đồng so với phiên liền trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.019-25.442 đồng.
Các ngân hàng cũng đã nâng mạnh giá USD, lên sát mức trần được phép. Ngân hàng lớn mua bán USD tại 25.070-25.440 đồng, tăng thêm 90 đồng so với trước đó. Ngân hàng cổ phần cho phép giao dịch USD tại 25.040-25.440 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng tăng 950-1.050 đồng, tương đương gần 4,3%.
Giá mua bán USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ neo quanh 25.470-25.600 đồng. Theo đó, chênh lệch giữa giá USD ngân hàng và thị trường tự do hiện dao động 200-500 đồng/USD.