
Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ở Washington ngày 10/4 (Ảnh: Reuters).
"Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc. Chúng tôi rất muốn có thể đạt được thỏa thuận. Họ thực sự đã lợi dụng đất nước chúng tôi trong thời gian dài", Tổng thống Donald Trump tuyên bố hôm 10/4.
"Chúng tôi đang sắp xếp lại và tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể hòa hợp rất tốt với nhau. Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ấy thực sự là người bạn của tôi trong một thời gian dài và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được điều gì đó rất tốt đẹp cho cả hai nước", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump cũng đề cập đến động thái của Trung Quốc khi cắt giảm số lượng phim Mỹ được chiếu tại nước này. Tổng thống cho rằng đây là một hình thức trả đũa yếu ớt đối với thuế quan của ông.
"Tôi nghĩ rằng tôi đã nghe nói những điều còn tồi tệ hơn thế", ông Trump cho biết.
Vào ngày 2/4, Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan mới với hơn 180 đối tác trên thế giới, nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại.
Trong khi phần lớn hàng hóa từ các quốc gia, vùng lãnh thổ bị áp thuế cơ sở 10% từ ngày 5/4, hàng hóa từ hàng chục quốc gia khác bị áp thuế đối ứng cao hơn, từ 11% đến 50% bắt đầu từ ngày 9/4.
Tuy nhiên, ông Trump bất ngờ đổi ý, hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, và đưa về mức đồng đều 10%, trừ Trung Quốc.
Sắc lệnh hành pháp mới nhất của ông Trump đã nâng thuế với Bắc Kinh từ 84% lên 125%. Tuy nhiên, mức thuế này được cộng thêm với khoản thuế 20% liên quan đến fentanyl (một trong những loại thuốc giảm đau mạnh thuộc nhóm opioid, có tính gây nghiện cao) mà ông Trump đã áp đặt trước đó đối với Trung Quốc. Vì vậy, con số tổng là 145%.
Một quan chức Nhà Trắng cũng xác nhận mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đã lên tới 145%.
Căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục leo thang trong thời gian qua, khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt đánh thuế qua lại lẫn nhau. Trung Quốc là nước gánh thuế đối ứng cao nhất của Mỹ.
Ngoài việc tăng thuế, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối động thái của Mỹ và đưa 6 công ty Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy". 12 doanh nghiệp Mỹ khác đã phải chịu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm các công ty Trung Quốc cung cấp cho họ các hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm ngày 10/4 khẳng định nước này không muốn đối đầu nhưng sẽ không lo ngại nếu Mỹ tiếp tục cảnh báo áp thêm thuế lên hàng hóa Bắc Kinh.
Theo quan chức Trung Quốc, chính sách thuế quan của Mỹ "không nhận được sự ủng hộ của người dân" và "sẽ không thành công". Ông Lâm khẳng định Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng hơn, khẳng định "cánh cửa đối thoại vẫn mở", đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hợp tác cùng Trung Quốc "trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và cùng có lợi" để giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.
Giữa lúc căng thẳng với Washington, Trung Quốc cũng tăng cường tiếp cận các đối tác khác để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gặp người đồng cấp Malaysia và khẳng định Bắc Kinh muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các nước ASEAN. Ông cũng thảo luận với Cao ủy Thương mại EU về việc nối lại đàm phán về ngành xe điện và tăng cường đầu tư song phương.