Tây du ký: Tôn Ngộ Không từng cầu mưa mãi không xong

19/04/2024 20:14

Câu chuyện về việc Tôn Ngộ Không cầu mưa mãi không xong dù sở hữu sức mạnh phi thường là một bài học đắt giá về sự khiêm tốn và cẩn trọng trong lời hứa.

Trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông biến hóa, có thể hô phong hoán vũ, đại náo Thiên Cung, tưởng chừng như có thể làm được mọi thứ. Tuy nhiên, trước thử thách cầu mưa cho người dân quận Phượng Tiên (có bản dịch là quận Phụng Tiên), Ngộ Không lại phải chịu thua. Việc cầu mưa không chỉ đơn thuần là vấn đề sức mạnh, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả luật nhân quả và ý định của Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Theo diễn biến truyện Tây du ký, khi thầy trò Đường Tăng đi tới địa giới Phượng Tiên, quận ngoài nước Thiên Trúc thấy người dân khổ sở vì nơi đây đã lâu không có mưa, lại đọc được bảng văn cầu hiền tìm người cầu mưa.

Xem song bảng văn Đường Tăng nói:

- Ngộ Không, ngươi cũng biết làm mưa, cũng nên làm phước mà cứu dân, liệu bề giúp được thì giúp không thì rời đi, chẳng nên nói chuyện bông đùa mà trể công việc.

Ngộ Không thưa rằng:

- Việc làm mưa có khó chi, khuất biển phá trời. Lão Tôn còn làm được, chớ kêu mưa gọi gió là sự thường, ấy là nghề tôi làm chơi hồi lúc nhỏ, có lạ chi thầy phải nói nhờ.

Văn hoá - Tây du ký: Tôn Ngộ Không từng cầu mưa mãi không xong

Tạo hình Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký.

Về quá trình cầu mưa, đầu tiên, Ngộ Không mời Ðông Hải Long Vương tới, nhưng Long Vương nói chưa có chiếu chỉ của Ngọc Hoàng Thượng Đế nên không dám tự tiện làm mưa. Ngộ Không sau đó cưỡi mây lên Thiên Đình, gặp Hộ Quốc Thiên Vương nhưng được biết rằng xứ ấy không thể làm mưa vì viên quận hầu mạo phạm trời đất. Ngộ Không lại nằng nặc đòi yết kiến Thượng Đế, rồi gặp bốn Đại thiên sư ngoài cửa điện cũng nói vùng ấy không thể làm mưa. Nhưng Ngộ Không mặc kệ, với bản tính nóng nảy và không chịu tìm hiểu lý lẽ, Đại Thánh quyết phải vào tâu Thượng Đế. Nhưng câu trả lời của Thượng Đế đã khiến Ngộ Không tỉnh ngộ:

“Cách đây ban năm, vào ngày hai mươi nhăm tháng mười hai, trẫm xuất hành đi du lãm muôn phương, ngao du ba cõi, trẫm thấy tên Thượng Quan ấy đang làm việc bất nhân, quẳng những thứ để thanh khiết cúng Thượng Đế cho chó ăn, miệng lại nói những lời bẩn thỉu, mắc tội mạo phạm. Trẫm lập tức sai làm ba việc ở trong điện Phi Hương. Các ngươi hãy dẫn Tôn Ngộ Không vào xem, nếu thấy ba việc đó đổ hỏng cả thì sẽ xuống chiếu cho phép làm mưa. Bằng không thì đừng có nói cho rườm lời.

Khi bốn Đại thiên sư dẫn Ngộ Không vào trong điện Phi Hương xem xét, thấy có một tòa núi gạo cao chừng mười trượng, một tòa núi bột cao chừng hai mươi trượng. Bên tòa núi gạo có một con gà nhỏ bằng nắm tay đang thủng thẳng mổ gạo ăn. Bên tòa núi bột có một con chó sư tử lông vàng đang thong thả liếm bột. Bên trái kê một chiếc giá sắt, trên giá treo một chiếc khóa vàng dài chừng một thước ba bốn phân. Cần khóa to bằng ngón tay, bên dưới đặt một chiếc đèn đang thắp sáng, ngọn lửa cháy tới cần khóa.

Tôn Ngộ Không vẫn chưa rõ chuyện, quay lại hỏi thiên sư:

– Như thế là có ý gì nhỉ? Thiên sư đáp:

– Quận Hầu Thượng Quan phạm tội khinh trời, Thượng Đế bèn nghĩ ra ba việc này. Chừng nào con gà mổ hết gạo, con chó liếm hết bột, ngọn đèn đốt đứt cần khóa, lúc ấy mới làm mưa.

Tôn Ngộ Không nghe nói kinh hãi, không dám thưa chuyện, đành xấu hổ bước ra ngoài.

Câu chuyện về Tôn Ngộ Không cầu mưa cho quận Phượng Tiên mang lại cho chúng ta một bài học quan trọng về sự thận trọng và trách nhiệm. Trong trường hợp của Tôn Ngộ Không, việc hứa sẽ cầu mưa cho người dân quận Phượng Tiên xuất phát từ lòng tốt và ý chí muốn giúp đỡ. Tuy nhiên, do không đánh giá đúng khả năng của bản thân và những yếu tố khách quan, Ngộ Không đã khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử và khiến người dân thất vọng.

Bài học rút ra từ câu chuyện của Tôn Ngộ Không là mỗi người đều có giới hạn của riêng mình. Dù tài giỏi, mạnh mẽ đến đâu, chúng ta cũng không thể làm chủ được mọi thứ. Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy mình có thể làm được, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như ý mình muốn. Bởi vậy, cần biết lượng sức mình, không nên vội vàng hứa hẹn hay cam kết khi chúng ta chưa hiểu rõ bản chất sự việc và chắc chắn về khả năng thực hiện được.

Trong cuộc sống, đôi lúc hứ hẹn nhưng không thực hiện được có thể gây thất vọng hoặc gây hại hơn là mang lại lợi ích. Do đó, quan trọng nhất là hãy hành động với sự tỉnh táo và trách nhiệm, không vội vàng hứa hẹn mà không xem xét kỹ lưỡng, và chỉ cam kết khi chúng ta thực sự có thể thực hiện được điều đó.

* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.

Quốc Tiệp

 

Bạn đang đọc bài viết "Tây du ký: Tôn Ngộ Không từng cầu mưa mãi không xong" tại chuyên mục VĂN HOÁ. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]