Xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên từ nội lực văn hóa

17/04/2024 16:12

Điện Biên có tài nguyên văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc của các tộc người. Đây là nguồn lực to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Tạo sức hút từ thương hiệu mạnh và độc đáo

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá việc lựa chọn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế là một quyết sách đúng và trúng của Điện Biên bởi tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế có thể khai thác để phát triển ngành dịch vụ này. Đây cũng là hướng đi được nhiều quốc gia và địa phương trong nước ưu tiên lựa chọn, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững và có khả năng tạo ra giá trị kinh tế - xã hội cao.

Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và sự nổi tiếng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chuyên gia này nhấn mạnh Điện Biên còn sở hữu một nền tảng văn hóa bản địa phong phú, đặc sắc và hấp dẫn, được tạo nên từ sự chung sống hòa thuận của 19 dân tộc anh em trên mảnh đất vùng biên. Mỗi dân tộc mang đến cho Điện Biên một bản sắc văn hóa đặc trưng, qua ngôn ngữ, nghệ thuật truyền thống, phong tục, tập quán và ẩm thực độc đáo.

Văn hoá - Xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên từ nội lực <a href=văn hóa" src="https://media1.nguoiduatin.vn/media/le-manh-quoc/2024/04/16/anh--1.jpg" width="450" height="308">

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

"Văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch, là một trong những những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Câu chuyện văn hóa của các vùng đất, yếu tố đặc trưng của các tộc người luôn có sức lôi cuốn và để lại ấn tượng sâu sắc đối với những người đam mê du lịch. Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, việc khai thác văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch của Điện Biên”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Để phát triển du lịch theo đường dài, chuyên gia này cho rằng Điện Biên cần tập trung nghiên cứu, xây dựng cho mình một thương hiệu du lịch mạnh. Điều đó không chỉ đơn thuần là một chiến lược quảng bá mà còn mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với việc thu hút du khách, phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Thương hiệu mạnh và độc đáo của Điện Biên sẽ tạo sự thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, một thương hiệu mạnh cho Điện Biên sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp địa phương, từ ngành du lịch đến ngành vận tải, dịch vụ và sản phẩm văn hóa, tạo ra những hiệu ứng chính trị, văn hóa, xã hội tích cực.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, việc xây dựng thương hiệu cho du lịch Điện Biên đang gặp phải những thách thức chủ yếu đến từ sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, hạ tầng và dịch vụ chưa hoàn chỉnh, chưa quan tâm thích đáng đến bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững. Việc bảo tồn và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Điện Biên đang đứng trước nhiều thách thức từ sự phát triển nhanh chóng và thiếu bền vững.

Văn hoá - Xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên từ nội lực <a href=văn hóa (Hình 2)." src="https://media1.nguoiduatin.vn/media/le-manh-quoc/2024/04/16/anh--3.jpeg" width="450" height="299">

Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm tại một bản của Điện Biên. 

Và để tạo đột phá, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng Điện Biên cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho tỉnh thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Theo đó, tỉnh có thể lựa chọn các sự kiện văn hóa, nghệ thuật phù hợp với bản sắc văn hóa của Điện Biên như các lễ hội văn hóa truyền thống, triển lãm nghệ thuật địa phương, biểu dẫn âm nhạc truyền thống,… để tập trung bảo tồn, đầu tư phát triển và quảng bá rộng rãi đến công chúng. Đặc biệt thông qua các sự kiện này cần tạo ra các trải nghiệm độc đáo cho du khách.

Bên cạnh đó, cần khai thác có hiệu quả mạng xã hội và các kênh truyền thông để lan tỏa, quảng bá sự kiện và hình ảnh của Điện Biên đến cộng đồng mạng và du khách. 

Vai trò của cộng đồng bản địa với phát triển du lịch

Cũng nhấn mạnh đến việc cần xây dựng thương hiệu du lịch và giá trị khai thác của nền tảng văn hóa, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch lại nhấn mạnh thêm đến yếu tố cộng đồng bản địa. Theo đó, việc nâng cao nhận thức và phát triển cộng đồng là những vấn đề không thể tách rời đối với hoạt động du lịch, đặc biệt trong thời kỳ hiện nay, khi văn hóa truyền thống, cộng đồng bản địa đang ngày càng trở thành những yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch.

Không những vậy, trong việc bảo vệ môi trường, ứng xử với khách du lịch, vai trò của cộng đồng là hết sức quan trọng.

Do đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc nâng cao nhận thức, không chỉ với cộng đồng mà của tất cả các bên liên quan và phát triển cộng đồng là cơ sở và điều kiện cho sự phát triển bền vững, nhân văn và lâu dài của ngành du lịch.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Tạ Thị Tú Uyên - Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ, Công ty du lịch Vietravel, cũng cho rằng Điện Biên cần định vị và xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch để có chiến lược đầu tư về cơ sở hạ tầng và truyền thông bài bản, tránh việc phát triển tràn lan, sản phẩm không đạt chất lượng, kém khả thi và thiếu tính cạnh tranh.

“Việc xây dựng thương hiệu cho Điện Biên thông qua tổ chức các sản phẩm du lịch văn hóa và không chỉ là một chiến lược kinh doanh mà còn là một hành động phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương. Qua việc tạo ra những trải nghiệm độc đáo và ấn tượng, Điện Biên có cơ hội thu hút du khách, tăng cường hình ảnh đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”, bà Tạ Thị Tú Uyên khẳng định.

Văn hoá - Xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên từ nội lực <a href=văn hóa (Hình 3)." src="https://media1.nguoiduatin.vn/media/le-manh-quoc/2024/04/16/1a.jpg" width="450" height="256">

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Điện Biên đã trở thành những điểm đến thu hút khách trong và ngoài nước.

Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động du lịch tại Điện Biên, đại diện hãng du lịch này cho rằng Điện Biên có thể tập trung vào một số sản phẩm điểm nhấn như hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, văn hóa Thái và lễ hội hoa ban.

Bên cạnh đó, nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa các sản phẩm về du lịch cộng đồng, làng nghề, nông nghiệp, sinh thái để đưa ra các phương án đầu tư phục dựng trở thành câu chuyện văn hóa, câu chuyện sản phẩm, hành trình trải nghiệm cho khách du lịch. Cùng với hoạt động tham quan, cần tổ chức các hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, khai thác các yếu tố độc đáo, riêng có của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn như Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Cống, Xinh Mua, Si La,…

Để bảo đảm yếu tố bản địa, bà Tạ Thị Tú Uyên cho rằng Điện Biên cần có chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho người dân trong cung cấp dịch vụ du lịch. Trước mắt cần xây dựng các mô hình đạt chuẩn cho các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn đưa vào các chương trình tour.

Đại diện doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp lữ hành, hàng không đưa khách du lịch đến với địa phương thông qua các chương trình kích cầu, ưu đãi, miễn giảm giá vé, quà tặng tri ân.

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên từ nội lực văn hóa" tại chuyên mục VĂN HOÁ. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]