Người bán hàng rong đến trình diện
Trao đổi với phóng viên , lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết đã chỉ đạo Công an phường Hàng Đào khẩn trương xác minh vụ người bán hàng rong bị tố "hét giá" 500.000 đồng cho 3 quả dứa khiến du khách nước ngoài bức xúc.
Qua rà soát địa bàn, Công an xác định người bán hàng rong trong video là bà N.T.T., 56 tuổi, quê huyện Phúc Thọ, hiện thuê trọ theo ngày trên địa bàn phường Phúc Tân.
Chiều 29/4, bà T. đã đến trình diện tại cơ quan Công an. Công an phường Hàng Đào đã yêu cầu người phụ nữ viết cam kết không tái phạm và đề xuất mức xử phạt.
Những người chứng kiến nói gì?
Nam du khách quay video cho biết sự việc xảy ra tối 27/4 tại ngã tư Hàng Đường - Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm. Thời điểm đó, hai khách Tây mua 3 quả dứa, người bán hàng rong đòi 500.000 đồng.
"Khi hai bên tranh cãi, người dân tập trung đông đúc, cô bán hàng thừa nhận giá 3 quả dứa chỉ 50.000 đồng. Lúc sau, người này trả lại tờ 500.000 đồng cho 2 khách Tây, mọi người mới tá hỏa rằng khách bị "chặt chém". Du khách nước ngoài sau đó ra hiệu bằng tay yêu cầu được trả lại tiền", người chứng kiến cho hay.
Anh Lê Mai Lâm, bảo vệ Công ty cổ phần Đồng Xuân, làm nhiệm vụ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự tại tuyến phố chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân khi đó đã can thiệp kịp thời, yêu cầu người bán hàng trả lại tiền.
Sau khi nhận lại tiền, hai nữ du khách nước ngoài rời khỏi hiện trường và người bán hàng rong cũng nhanh chóng dắt xe rời khỏi không gian tuyến phố đi bộ.
Qua xác minh của công an phường Hàng Đào, người phụ nữ bán hàng rong không phải người trên địa bàn. Công an phường đang tiếp tục tìm kiếm người phụ nữ bán hàng rong, làm rõ sự việc để xử lý theo quy định pháp luật.
Vì sao hiện tượng "chặt chém" mãi không chấm dứt?
Đây không phải lần đầu người bán hàng rong ở Hà Nội bị tố "chặt chém" khách Tây.
Hồi cuối tháng 3, anh D.T. cùng bạn đi dạo cuối tuần ở hồ Gươm vô tình thấy hai du khách người nước ngoài đứng mua bánh rán nhưng "có vẻ không hài lòng".
Anh cho biết người phụ nữ bán hàng đòi du khách 50.000 đồng/túi bánh rán gồm 4 chiếc. Trên thực tế, mỗi chiếc bánh rán hình tròn chỉ có giá từ 1.000-3.000 đồng/cái.
"Khách Tây không đồng ý, trả giá xuống 25.000 đồng nhưng người phụ nữ vùng vằng, dúi tiền thừa vào tay khách rồi bỏ đi", anh T. kể lại.
Người đàn ông tiến đến hỏi thăm du khách, được biết họ phải trả 50.000 đồng cho túi bánh rán. Anh khuyên du khách lần sau nên trả giá trước và mạnh dạn từ chối mua hàng, góp phần hạn chế nạn "chặt chém".
Anh T. sau đó hỏi chuyện người phụ nữ bán hàng rong, nhưng người này phủ nhận "chặt chém" khách Tây.
"Tôi đã thông báo sự việc với đội bảo vệ xung quanh hồ Gươm", anh nói.
Không chỉ khách nước ngoài, ngay cả khách Việt cũng chia sẻ trải nghiệm không vui bị "hét giá" khi du lịch phố cổ Hà Nội.
Minh Hoàn (22 tuổi) và nhóm bạn lên hồ Gươm ăn đêm sau tan ca. Họ vào một quán bán ngô, khoai nướng dọc vỉa hè hồ Gươm nằm trên phố Lê Thái Tổ.
Nhóm gọi 10 quả trứng nướng, 4 củ khoai nướng và 3 bắp ngô nướng. Đến khi thanh toán, bà chủ báo giá 580.000 đồng, trong đó 80.000 đồng một củ khoai nướng, trứng và ngô mỗi loại 20.000 đồng.
"Chúng tôi hốt hoảng hỏi lại thì bà chủ nói "giá nhập khoai đã 40.000 đồng/củ. Biết rằng trên hồ Gươm thì cái gì cũng đắt nhưng không thể đến mức như thế. Chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán 580.000 đồng và đăng bài chia sẻ lên các hội nhóm để cảnh báo", Hoàn nói.
Trên mạng xã hội, người dùng mạng tranh luận sôi nổi về vấn nạn "chặt chém" khi du lịch Hà Nội. Họ cho rằng "hiện tượng" này mãi chưa chấm dứt là do mức xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những người bán hàng.
Trên thực tế, những người bán hàng rong thường bị xử phạt 150.000 đồng về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và trật tự đô thị.
"Công an phường đã xử phạt người này 150.000 đồng về hành vi bán hàng rong, yêu cầu cam kết không bán hàng rong trái quy định", lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm nói.
"500.000 đồng là "cái giá chặt chém" cho 3 quả dứa, từ một người bán hàng rong. Tuy vậy, hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam, với bạn bè quốc tế, từ việc kinh doanh như thế, thì có lẽ cái giá sẽ lớn gấp nhiều lần như thế. Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải cảnh báo du khách nước ngoài tránh xa những gánh hàng rong như thế", tài khoản Minh Phương viết.
"Một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch một đi không trở lại, phải chăng từ những người chuyên "chặt chém". Phải phạt thật nặng và cấm buôn bán với những người này để không vì một số con sâu mà ảnh hưởng tới biết bao nỗ lực gây dựng hình ảnh đất nước văn minh và con người thân thiện trong mắt du khách nước ngoài", tài khoản Trần Minh bình luận.
"Đã có rất nhiều người bán hàng rong "chặt chém" và bị xử lý, nhưng xem ra vẫn không làm họ sợ để buôn bán đàng hoàng. Chính họ làm mất mặt Hà Nội, ảnh hưởng nặng nề du lịch. Chính quyền phải quyết liệt dẹp bằng được vấn nạn này. Người dân cũng tăng cường giám sát, can thiệp ngay khi người nước ngoài, khách du lịch bị người bán hàng rong "chặt chém"", độc giả Hoàng Quân nêu quan điểm.
"Chỉ một hình ảnh xấu thì công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay"
Trước thềm kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Cục Du lịch Quốc gia đã ban hành văn bản gửi Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố tăng cường đảm bảo an toàn trong các hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè.
Trong đó, Cục yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, tuân thủ nghiêm quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách.
Giá dịch vụ phải được niêm yết tại khu vực lễ tân, nơi dễ nhìn thấy, nơi khách tiếp cận trước khi sử dụng dịch vụ. Các cơ sở không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất 3 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xử lý tình trạng "chặt chém".
Thứ nhất, mỗi du khách trước hết hãy là một người tiêu dùng thông minh. Trước khi mua bất cứ một sản phẩm/ dịch vụ nào, du khách nên hỏi kỹ thông tin về giá, rồi mới quyết định có thực hiện giao dịch hay không?
Thứ hai, tại các điểm du lịch, cơ quan chức năng nên yêu cầu người bán đăng ký thông tin sản phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng "thuận mua vừa bán".
Thứ ba, các lực lượng chức năng từ tổ dân phố, công an, chính quyền địa phương... cần vào cuộc và quản lý chặt chẽ, đồng thời ban hành các tiêu chí, quy định xử phạt hành chính.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh từ du khách, các lực lượng cần kiên quyết xử lý mạnh để răn đe những người bán khác.
"Chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay. Chúng ta phải cố gắng phòng hơn chống, nghĩa là đề phòng tất cả nguy cơ có thể xảy đến mà ảnh hưởng hình ảnh, đất nước và con người trong mắt khách du lịch", ông Hoan nói.