Lý do “bùng nổ” cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam và bài toán thị phần

17/05/2024 19:09

Mô hình cửa hàng tiện lợi lên ngôi vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng độ phủ nhưng cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chật vật giữ thị phần.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo Kinh tế & Đô thị, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng năm 2024, đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô 180 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% GDP.

Những con số này đã khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với không ít các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài. Một điều đáng chú ý việc khai thác thị trường cửa hàng tiện lợi đã có mặt hầu hết các thương hiệu quốc tế như Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan)...

Cụ thể, hiện hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K đã phủ sóng hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Tương tự, năm 2015, AEON (Nhật Bản) đã đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng này, đến nay Ministop đã trở thành một "trạm dừng chân ven đường" với  đối với đông đảo người dùng Việt.

Tương tự, các “tay chơi” khác như là GS 25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam cũng khiến cho bán lẻ kênh cửa hàng tiện lợi trở nên sôi động. Kết quả khả sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện Circle K đang giữ vị trí dẫn đầu với thị phần ở mức 48%, tiếp theo là Family Mart 18,8%, Ministop 14,3% và 7-Eleven 7,3%..

Xu hướng thị trường - Lý do “bùng nổ” cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam và bài toán thị phần

Mô hình cửa hàng tiện lợi lên ngôi vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng độ phủ nhưng cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chật vật giữ thị phần. Ảnh minh họa từ internet 

Và lý do sâu xa phía sau

Theo Giáo Dục & Thời Đại, lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ngoài bỏ nhiều vốn đầu tư hệ thống cửa hàng tiện lợi, các đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá, nếu muốn mở siêu thị doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tìm địa điểm, thực hiện rất nhiều loại giấy phép khác nhau. Trong khi đó, việc xin giấy phép, tìm địa điểm cửa hàng có diện tích dưới 500m2 không quá khó khăn, vốn đầu tư lại thấp hơn đầu tư siêu thị.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kênh mua sắm tiện lợi, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% và dân số trẻ chiếm 57%. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2030 so với hiện nay, tạo động lực chính cho sự phát triển của mô hình cửa hàng tiện lợi.

Chuyên gia Trần Minh Phong chia sẻ, nhìn toàn cảnh hệ thống cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang đua nhau mọc lên. Bởi, câu chuyện kinh doanh cửa hàng tiện lợi không đơn giản chỉ là việc bán hàng hay quản lý chi phí để tìm kiếm lợi nhuận, mà là việc mở rộng chuỗi để đạt được một mật độ phủ sóng nhất định, khi đó mới có thể sinh lãi.

Thời gian đầu là thời gian dùng vốn để triệt hạ nhau từ các thương hiệu. Theo các nhà đầu tư tính toán thì 5 năm đầu là thời gian chịu lỗ nặng nhất của doanh nghiệp ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, đây là xu thế của thị trường, nếu đơn vị nào trụ vững thì sẽ đạt được nhiều “trái ngọt”, còn không sẽ phải nhường sân cho đối thủ mạnh hơn.

“Nếu nắm tốt xu hướng này, làm chủ được sân chơi, nhà bán lẻ sẽ có lợi thế trong đàm phán về giá với nhà sản xuất, đàm phán nợ và cả việc đàm phán mức hoa hồng mà họ muốn”, chuyên gia Trần Minh Phong đánh giá.

Doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế sân nhà

Theo Kinh tế & Đô thị, không chấp nhận để miếng bánh béo bở rơi vào tay nước ngoài, các công ty, tập đoàn Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư khai thác thị trường này.

Năm 2015, Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới di động cũng đã đầu tư hệ thống siêu thị cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh. Sau 10 năm hoạt động Bách hóa xanh đã có 1.824 cửa hàng trên cả nước.

Tương tự Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng đã đầu tư mở gần 600 cửa hàng tiện lợi Co.op Food... Để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi cách thức phục vụ, hàng hóa phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu mua sắm của người dân.

Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Nguyễn Anh Đức cho rằng, các cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp ngoại tập trung hàng bách hóa và thức ăn nhanh. Để thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt tập trung phục vụ thực phẩm tươi sống, tiêu dùng thiết yếu.

Đây đang là “phần bánh” mà các doanh nghiệp nội đầu tư khai thác qua đó chiếm thị phần vì họ hiểu ý người tiêu dùng Việt, nhất là tập trung vào đối tượng bà nội trợ.

Đánh giá về cuộc đua hiện nay của doanh nghiệp trong nước và các nhà bán lẻ lớn nước ngoài, chuyên gia Trần Minh Phong cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có đủ tiềm lực để đầu tư hàng loạt cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, để đủ sức cạnh tranh đơn vị bán lẻ Việt Nam cần tìm ra sự khác biệt trong quá trình phục vụ, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng.

Đào Vũ (T/h)

Bạn đang đọc bài viết "Lý do “bùng nổ” cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam và bài toán thị phần" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]