Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong 13 bộ đầu tiên của Chính phủ Việt Nam, có 2 bộ là Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội - tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay. Đó chính là dấu mốc lịch sử của một ngành được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 3 lĩnh vực lớn: lao động, người có công và xã hội.
Qua 79 năm xây dựng và phát triển, ngành LĐ-TB&XH đã không ngừng quán triệt và cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về lao động, người có công và xã hội trong từng giai đoạn cách mạng.
Xuyên suốt 79 năm đó, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của Cách mạng Việt Nam.
Những năm gần đây, ngành LĐ-TB&XH đã tích cực tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, ngành đã tham mưu BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Điểm mới của Nghị quyết 42 so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI là chuyển đổi cách tiếp cận chính sách xã hội từ "bảo đảm và ổn định" sang "ổn định và phát triển"; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, từ đó giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19.
Ngành cũng đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi...
Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện.
Những năm qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Điểm nhấn nổi bật nhất đó là, Việt Nam đưa hơn 155.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2023. Đây là con số cao nhất về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ trước đến nay trong một năm.
Trong lĩnh vực người có công, những năm qua, ngành đã nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn.
Giữ vai trò hạt nhân trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện chính sách ưu đãi về người có công với cách mạng, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,05 triệu đồng lên 2,78 triệu đồng, tăng 35,7%.
Thời gian tới, toàn ngành xác định, sẽ tiếp tục nỗ lực, thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, không điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào.