Người Việt chi gần 9 tỷ USD mua hàng online trong 9 tháng

23/10/2024 19:05

() - Trong 9 tháng qua, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 227.700 tỷ đồng, tương đương 8,9 tỷ USD mua hàng trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và Sendo.

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV vừa được Metric - công ty dữ liệu thương mại điện tử lớn tại Việt Nam - công bố, 9 tháng qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2023, với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ 2023. Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm.

Trong đó, TikTok Shop và Shopee là 2 sàn thương mại điện tử lần lượt ghi nhận tăng trưởng 110,6% và 11,3% về doanh số so với cùng kỳ 2023. "Đáng chú ý, TikTok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện chiến lược hiệu quả trong việc kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí", Metric đánh giá.

Tiki cũng là một điểm sáng bất ngờ trong quý vừa qua. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, Tiki đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 38,1% so với quý II, tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa này.

Xét riêng từng sàn trong quý III, Shopee, TikTok Shop và Tiki đều ghi nhận doanh số tăng cao từ tháng 7, cao nhất vào tháng 8, sau đó giảm nhẹ vào tháng 9. Riêng Lazada và Sendo lại cùng có doanh số giảm dần qua từng tháng.

Trong quý III, sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng gia tăng mạnh, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, tăng 9% thị phần so với năm ngoái. Đặc biệt, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc 100.000-200.000 đồng tăng thêm 4%.

Ngoài ra, báo cáo của Metric cũng nhận định các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang có động thái đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam. Cụ thể, Temu mới đây đã chính thức gia nhập thị trường, trong khi đó ứng dụng thương mại điện tử 1688, phiên bản iOS đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Taobao - nền tảng thương mại điện tử của Alibaba dù chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

"Những động thái này càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh thị trường trong nước, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop", Metric đánh giá.

Thực tế, theo ghi nhận, trên website của Temu Việt Nam, đã ra mắt phiên bản tiếng Việt. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ mất 4-7 ngày do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối thông qua đường bộ.

Đáng chú ý, sàn này cũng vừa ra mắt hình thức kiếm tiền nhờ tiếp thị liên kết qua nền tảng tiếp thị liên kết của Temu tại Việt Nam. Mức hoa hồng dao động 10-30%. Bên cạnh đó, còn nhận thêm 150.000 đồng khi có một người đăng ký từ đường link và nhiều mã giảm giá đến 90% trên sản phẩm.

Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử này cũng miễn phí vận chuyển đơn đặt hàng từ 120.000 đồng. Người dùng Việt Nam có thể thanh toán bằng Google Pay, Visa, MasterCard...

Thực tế, các nhà bán hàng trong nước đang chịu mức độ cạnh tranh ngày càng cao, nhất là khi các sàn thương mại điện tử trong nước ồ ạt vào Việt Nam.

Hơn 3 năm kinh doanh ốp điện thoại trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị H.T. chia sẻ chị chưa bao giờ cảm thấy áp lực như hiện tại khi cạnh tranh giá giữa các shop, chiết khấu và các quy định của sàn ngày càng gay gắt. Chưa kể, 1-2 năm trở lại đây, chị còn phải đối mặt mới hàng loạt mẫu ốp giá rẻ từ gian hàng Trung Quốc được bán trực tiếp trên Shopee, Lazada và TikTok Shop.

Người Việt chi gần 9 tỷ USD mua hàng online trong 9 tháng - 1

Sự xuất hiện của nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới Temu khiến doanh nghiệp Việt gặp áp lực cạnh tranh lớn (Ảnh: Bangkok Post).

Dữ liệu của Metric cho biết có 580.300 cửa hàng hoạt động trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop trong 9 tháng, giảm 1% so với cùng kỳ 2023. 

Bên cạnh đó, trong quý vừa qua, sự xuất hiện của một số sản phẩm hot trend (trào lưu mới) cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến cả về doanh số lẫn sản lượng bán ra. 

Đồ chơi Labubu tăng trưởng mạnh nhờ thiết kế độc đáo và số lượng giới hạn, tạo nên làn sóng sưu tầm trong cộng đồng. Trên các sàn thương mại điện tử, doanh số của Labubu đạt đỉnh vào tháng 8. Trong quý III, doanh số đạt 6,9 tỷ đồng và 49.400 sản phẩm được bán ra, tăng 741% về doanh số và 834% về sản lượng so với quý II.

Bạn đang đọc bài viết "Người Việt chi gần 9 tỷ USD mua hàng online trong 9 tháng" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]