Bộ Thương mại Thái Lan đang tiến hành điều tra và xem xét triển khai các biện pháp chống bán phá giá đối với một số công ty thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT), cuộc điều tra có thể kết thúc sớm vào tháng 6 năm nay.
Trước đó, cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị từ một số công ty sản xuất thép cuộn nóng lớn như Sahaviriya Steel, G Steel và GJ Steel. Các doanh nghiệp này cho biết đang lao đao vì không bán được hàng.
Nhóm nguyên đơn yêu cầu DFT điều tra trường hợp 17 nhà sản xuất thép Trung Quốc được cho là đã trốn thuế chống bán phá giá, sau khi thay đổi các thành phần trong sản phẩm thép của họ.
Theo DFT, Thái Lan đã tìm thấy được bằng chứng về việc một số nhà sản xuất thép Trung Quốc thay đổi sản phẩm để bán phá giá.
"Chúng ta nên bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa trong trường hợp xảy ra các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng hay ảnh hưởng từ các xung đột địa chính trị", ông Wirote Rotewatanacha, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan, chia sẻ với Nikkei Asia.
Ông Wirote cho biết, hợp kim được các nhà sản xuất Trung Quốc trộn vào sản phẩm thép để tránh thuế chống bán phá giá đã gây ra vấn đề kiểm soát chất lượng cho các nhà sản xuất thép Thái Lan.
Đông Nam Á, điểm đến hàng đầu của thép Trung Quốc, đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa tràn lan khi các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất của Trung Quốc trì trệ. Với nguồn cung dồi dào, các nhà sản xuất thép từ Trung Quốc tạo điều kiện để khách hàng có thể mua thép với mức giá hợp lý hơn so với những nhà sản xuất thép nội địa Thái Lan.
Năm 2023, giá thép mạ từ Trung Quốc thấp hơn 39% so với sản phẩm của Thái Lan. Thép cuộn Trung Quốc được bán với giá chiết khấu 16%.
Trong một phiên điều trần công khai trước DFT, các nhà nhập khẩu thép từ Trung Quốc tại Thái Lan phản đối kiến nghị trên. Họ cho rằng chính sai lầm trong quyết định đầu tư khiến ngành công nghiệp thép trong nước mất đi năng lực cạnh tranh.