Việt Nam lọt top 5 nhà cung cấp thuỷ sản lớn tại Singapore

26/04/2024 12:14

Lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào thị trường Singapore.

Việt Nam là nhà cung ứng gạo lớn vào thị trường Singapore

Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, theo thống kê của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore, trong quý I/2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 340 triệu SGD, giảm 5,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore đạt hơn 24 triệu SGD, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia thứ 3, Trung Quốc và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore.

Dữ liệu từ Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore cho thấy, thị phần thủy sản của thị trường Singapore nhìn chung vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng.

Đáng chú ý 6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9 - 13%, gồm: Malaysia chiếm 13,6% thị phần; Na Uy chiếm 11,45% thị phần; Indonesia chiếm 11,13% thị phần; Trung Quốc chiếm 10,15% thị phần; Việt Nam chiếm 8,58% thị phần và Nhật Bản chiếm 8,34% thị phần.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Đầu Tư ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho hay, để đa dạng nguồn cung, Singapore liên tục tìm kiếm, mở rộng và thị trường nhập khẩu bằng nhiều hình thức. Điều này đảm bảo an ninh nguồn cung thực phẩm cho Singapore, đồng thời khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn.

Bên cạnh đó tình trạng lạm phát gia tăng cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Nước nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Để tăng tốc xuất khẩu thuỷ sản sang Singapore nói riêng và thị trường thế giới nói chung, Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo các doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam nghiên cứu và tận dụng hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thường xuyên cập nhật các quy định của địa bàn, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác hàng hóa,…

Doanh nghiệp Việt tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam tại thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì ổn định chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với đối tác quốc tế.

Ngoài ra, cần thận trọng thẩm tra thông tin đối tác trước khi ký kết, giao nhận hàng hóa và thanh toán, tránh rủi ro trong giao dịch kinh doanh.

Liên quan đến một số vụ việc thu hồi sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam gần đây tại Singapore, do nhà xuất khẩu không tuân thủ về dán nhãn cảnh báo thành phần dị ứng và một số điều kiện nhập khẩu, đại diện cơ quan Thương vụ nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý cập nhật các quy định của địa bàn, giữ uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

Xu hướng thị trường - Việt Nam lọt top 5 nhà cung cấp thuỷ sản lớn tại Singapore

Ảnh minh họa.

Giá gạo xuất khẩu được dự báo như thế nào trong năm 2024?

Trong bối cảnh giá lúa năm nay giữ ở mức khá cao. Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang ngày 25/4, lúa nếp Long An (khô) giá ổn định 9.600 - 9.800 đồng/kg; lúa IR 50404 giá 7.300 - 7.500 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg;… ông Nguyễn Văn Đôn cho hay, rút kinh nghiệm từ năm trước, nên năm nay, doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị từ trước. Phần lớn các doanh nghiệp không ký hợp đồng xuất khẩu từ trước mà doanh nghiệp phải thu mua lúa trước rồi ký hợp đồng xuất khẩu hay nghiên cứu kỹ thị trường rồi mới đấu thầu. Vì vậy, sẽ tránh được thiệt hại, cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

“Trong khi các doanh nghiệp tập trung vào 2 thị trường chủ lực cho xuất khẩu gạo như Indonesia, Philippines, thì doanh nghiệp lựa chọn không bỏ hết trứng vào 1 giỏ. Chúng tôi xuất khẩu gạo đến đa dạng các thị trường như Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), châu Phi, Philippines,... Việc này giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro”, ông Nguyễn Văn Đôn chia sẻ và nhận định, năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên sản lượng gạo trong nước xuất khẩu đạt được con số 8 triệu tấn gạo là hơi khó, tuy nhiên, với mức giá bán như hiện nay thì ngành lúa gạo có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD như mục tiêu đã đặt ra.

Thông tin trên báo Tin Tức nhằm đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương cho biết, sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp nhằm tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023.

Đồng thời, Bộ Công Thương thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới và triển khai Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 của Bộ Công Thương về đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Để bảo vệ thành quả của năm 2023, tận dụng cơ hội và tiếp tục xuất khẩu thành công trong năm 2024, bên cạnh những giải pháp căn cơ, cần kịp thời giải quyết những vướng mắc trước mắt và lâu dài, hướng đến phát triển bền vững.

Theo Công Thương năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn, đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn. Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam lọt top 5 nhà cung cấp thuỷ sản lớn tại Singapore" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]