Vỡ mộng nghề livestream thuê: Bỏ ăn, truyền nước... sau phiên live kéo dài

29/09/2024 19:21

() - Không phủ nhận việc kiếm cả chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề livestream thuê song nhiều người chia sẻ "nghề" này cũng bòn rút thời gian, sức khỏe, áp lực ngày càng lớn.

Nghề livestream thuê "nở rộ"

Với xu hướng phát triển hiện nay, livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) đã trở thành công cụ bán hàng đầy hấp dẫn cho mọi tiểu thương, nhà kinh doanh. Hình thức này không chỉ mang lại doanh thu lớn cho các nhà kinh doanh mà còn lan tỏa thương hiệu, mở rộng đối tượng khách hàng. 

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người lựa chọn việc mua sắm trên livestream vì tính thuận tiện. Theo dự báo từ Boston Consulting Group (BCG), thị trường bán hàng này tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, sẽ đạt giá trị 25 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển thần tốc này cũng đem đến nhiều cơ hội việc làm cho những người bán hàng trực tuyến - hay còn gọi là những người livestream thuê.

Vỡ mộng nghề livestream thuê: Bỏ ăn, truyền nước... sau phiên live kéo dài - 1

Sự phát triển của ngành thương mại điện tử giúp mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, trong đó có nghề livestream thuê (Ảnh: Shopee).

Theo khảo sát trên một số trang tin tuyển dụng, không khó để bắt gặp những tin tuyển dụng mẫu livestream với mức lương hấp dẫn 8-15 triệu đồng đối với nhân viên làm việc toàn thời gian.

Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội mỗi ngày đều có rất nhiều bài đăng tuyển mẫu livestream thời vụ đa dạng ngành nghề với mức lương dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/giờ - cao hơn rất nhiều so với những công việc bán thời gian khác.

Kim Ngân (quận 3, TPHCM) hiện là sinh viên năm 3, chia sẻ rằng ngoài thời gian học cô còn hợp tác làm việc bán thời gian với một vài nhãn hàng bán mỹ phẩm. Ngân là người mới và không quá nổi tiếng trên mạng xã hội nên mức thù lao hiện dao động 250.000-300.000 đồng/phiên khoảng 2 tiếng.

"Lịch làm việc khoảng 3-4 ngày mỗi tuần, mỗi ngày live khoảng 5-6 tiếng, thu nhập bình quân có thể lên tới hơn 10 triệu đồng/tháng từ việc làm thêm này", Ngân chia sẻ.

Mỏi hàm, nhập viện... sau những phiên live kéo dài

Tuy nhiên trái ngược với Ngân, không ít trường hợp người livestream thuê thất vọng khi thực tế không như mong đợi, do sức cạnh tranh lớn, tính khắc nghiệt trong công việc, và không ít luật "khó nhằn" được đặt ra trong các phiên livestream.

Hiền Nguyễn (TP Thủ Đức, TPHCM) - người livestream thuê, chia sẻ sau hơn một năm gắn bó với nghề thì hiện cô đã phải bỏ công việc này vì áp lực, sức khỏe, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.

Hiền kể cách đây một năm, hồi còn sinh viên năm 3, cô từng làm việc với một số nhãn hàng vali, quần áo, nước hoa, đồ ăn vặt, tại vị trí là người livestream chính. Mức thù lao thấp nhất là 150.000 đồng/giờ và cao nhất là 250.000 đồng/giờ.

Tuy nhiên, thù lao có thể sẽ cao khi còn ở độ tuổi sinh viên nhưng phải đánh đổi sức khỏe, thời gian. "Có những hôm livestream về, tôi không thể ăn cơm được do mỏi cơ hàm vì chính sách của sàn không nói trong 5 giây sẽ vi phạm nên bạn phải nói liên tục trong nhiều giờ", cô chia sẻ.

Kể về giai đoạn làm việc điên cuồng trong thời hoàng kim của nghề livestream bán hàng - đặc biệt là những phiên trong ngày giảm giá lớn (siêu sale), các buổi bán hàng lớn (mega live), Hiền cho biết sau những phiên kéo dài cả nửa ngày, chuyện chỉ được ngủ 3- 4 tiếng mỗi ngày là hết sức bình thường.

"Đứng suốt, nói nhiều, ăn uống không điều độ, có lần đang livestream thì thấy chóng mặt, cảm giác như sắp ngất xỉu... dù đã ra hiệu cho nhãn hàng nhưng cũng không thể đột ngột dừng mà cố gắng tiếp tục thêm 10-15 phút mới được nghỉ", Hiền nói.

Nếu trong phiên mà không giữ năng lượng, thần sắc tốt, hoặc ấp úng, uể oải sẽ rất ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của khách hàng. Thậm chí, nếu không hoàn thành tốt có thể sẽ bị nhãn hàng phạt cả triệu đến chục triệu đồng.

Cô cũng kể thêm rằng, không ít người bạn đồng nghiệp của cô, sau mỗi phiên live kéo dài hàng chục giờ đồng hồ không thể về thẳng nhà mà phải đi thẳng vào bệnh viện để truyền nước biển, do bị kiệt sức.

Vỡ mộng nghề livestream thuê: Bỏ ăn, truyền nước... sau phiên live kéo dài - 2

Nhiều phiên livestream kéo dài xuyên đêm, lượt xem ít ỏi (Ảnh: Chụp màn hình).

Thành Vinh (quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ hiện anh vẫn nhận việc livestream theo thời vụ nhưng ngày càng có nhiều người theo nghề này nên không còn dễ kiếm nhiều tiền như trước, mức thù lao cũng đã giảm nhiều. Thậm chí, một số nhãn hàng "chọn cứng" một người livestream thuê, để khách hàng quen mặt, và tạo thói quen cho người tiêu dùng, nên cơ hội, giá cả mỗi phiên live giảm đáng kể.

Vinh cũng chia sẻ thêm, giai đoạn cuối năm 2022, mỗi phiên còn được hàng nghìn thậm chí chục nghìn mắt xem, nhưng giờ chỉ còn tính bằng đơn vị chục, lắm lúc còn thao thao bất tuyệt một mình, không có mắt xem.

Chưa kể, các nhãn hàng mà Vinh cộng tác lúc đầu trả công 500.000 đồng/giờ cộng 5% doanh thu toàn phiên live. Nhưng sau này, thu nhập giảm và khối lượng công việc lại không đổi. Các nhãn hàng chỉ còn trả anh 200-300.000 đồng/giờ cộng 1-2% doanh thu, với lý do cần chi tiền cho quảng cáo. Dần dần, Vinh cũng chán nản và từ bỏ công việc này.

Nghề livestream đã và đang là một xu hướng nghề trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng bùng nổ. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công việc livestream cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo không ngừng. 

*Tên các nhân vật đã được thay đổi do yêu cầu

Bạn đang đọc bài viết "Vỡ mộng nghề livestream thuê: Bỏ ăn, truyền nước... sau phiên live kéo dài" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]